Dạy Vật lý hiệu quả với bản đồ tư duy

GD&TĐ - Cô Lê Thị Phương Loan - giáo viên Trung tâm KTTH - HN Thọ Xuân (Thanh Hóa) - chia sẻ kinh nghiệm dạy Vật lý hiệu quả với bản đồ tư duy.

0

Ảnh minh họa

Sử dụng bản đồ tư duy để dạy bài mới

Giáo viên đưa ra một “từ khoá” để nêu kiến thức của bài mới rồi yêu cầu học sinh vẽ bản đồ tư duy (BĐTD) bằng cách đặt câu hỏi, gợi ý để học sinh tìm ra các từ liên quan đến “từ khoá ”, từ đó hoàn thiện BĐTD. Qua đó học sinh sẽ nắm được kiến thức bài học một cách dễ dàng.

Ví dụ: Khi dạy bài “Dao động điều hoà ” - Vật lí lớp 12. Giáo viên cho từ khóa “Dao động điều hoà ”. Đây là một khái niệm hoàn toàn mới đối với học sinh, do đó giáo viên sẽ nêu cho học sinh nhánh cấp 1. Sau đó, chia học sinh theo nhóm ( 2 bàn một nhóm), bằng các câu hỏi gợi ý yêu cầu các nhóm bổ sung các nhánh cấp 2, cấp 3 ... để hoàn thiện bản đồ tư duy (có sự hỗ trợ của máy chiếu).

Sau khi các nhóm hoàn thiện BĐTD, giáo viên yêu cầu đại diện của 1 hoặc 2 nhóm lên trình bày, các nhóm khác bổ sung. Giáo viên kết luận theo hướng chuẩn kiến thức, không áp đặt cách trình bày. Qua đó học sinh chiếm lĩnh kiến thức chủ động, nhẹ nhàng, đồng thời kích thích hứng thú học tập của các em.

Hoặc, khi học bài “Con lắc lò xo” - Vật lí lớp 12, giáo viên cho từ khoá “Con lắc lò xo ” định hướng để học sinh xác định nhánh cấp 1. Sau đó, chia nhóm theo đơn vị bàn, dùng các câu hỏi gợi ý để các nhóm vẽ tiếp các nhánh cấp 2, cấp 3 ....và hoàn thiện bản đồ tư duy (có sự hỗ trợ của máy chiếu).

Sau khi các nhóm đã hoàn thiện xong, yêu cầu đại diện của 2 nhóm cùng lúc lên trình bày trên 2 nửa bảng. Sau đó cho các nhóm khác nhận xét, góp ý. Giáo viên chốt lại kiến thức của bài trên tinh thần động viên, khích lệ các cách trình bày sáng tạo. Học sinh tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng, hào hứng và có niềm yêu thích phương pháp mới.

Bản đồ tư duy với từ khóa "Con lắc lò xo" 

Học sinh dùng BĐTD để phát huy tính tự học

Đối với những bài thiên về ứng dụng, vận dụng, để giảm thời gian nghiên cứu bài mới, giành thời gian cho vận dụng và liên hệ, giáo viên có thể dùng hệ thống câu hỏi định hướng để học sinh tự xây dựng BĐTD ở nhà.

Đến tiết học giáo viên có thể gọi một số học sinh lên trình bày, sau đó cho các em khác nhận xét bổ sung. Giáo viên chốt lại kiến thức của bài học. Thời gian còn lại cho học sinh vận dụng, liên hệ thực tế để nâng cao hiệu quả của tiết dạy.

Ví dụ: Khi dạy bài “Dao động tắt dần. Dao động cưỡng bức ”- Vật lý lớp 12, giáo viên phát huy khả năng tự học của học sinh bằng cách dùng hệ thống câu hỏi định hướng để học sinh vẽ BĐTD ở nhà, lên lớp sau khi chốt lại kiến thức của sẽ dành nhiều thời gian để liên hệ thực tiễn.

Khi đã gắn kết được kiến thức và thực tiễn, học sinh sẽ thấy được ý nghĩa của việc học. Sau bài học học sinh vừa tự chiếm lĩnh được tri thức, vừa vận dụng được vào thực tiễn, từ đó yêu thích môn học và hứng thú với phương pháp học tập mới.

Sử dụng BĐTD trong ôn tập, luyện tập kiểm tra định kỳ

Với phương pháp kiểm tra dặc thù của bộ môn (kiểm tra bằng trắc nghiệm), các câu hỏi nằm dàn trải ở các bài, trong khi số lượng tiết ôn tập và bài tập là có hạn. Chính vì thế, để phát huy tối đa hiệu quả của những tiết này, giáo viên sẽ để lại đến cuối chương.

Ví dụ về lý thuyết, khi nghiên cứu chương “Dao động cơ ”, giáo viên đưa ra từ khoá “Dao động cơ ”, sau đó định hướng nhánh cấp 1 rồi chia nhóm học tập theo đơn vị xã, yêu cầu các nhóm dùng hệ thống câu hỏi gợi ý có sẵn ở từng bài học vẽ tiếp các nhánh cấp 2, cấp 3 và hoàn thiện SĐTD về hệ thống lý thuyết của chương trên bìa cứng hoặc bảng phụ.

Sau khi các nhóm hoàn thiện tác phẩm của mình, yêu cầu đại diện 2 nhóm treo BĐTD của nhóm mình lên và trình bày, các nhóm khác góp ý. Giáo viên chốt lại kiến thức và đánh giá kết quả làm việc của từng nhóm. Học sinh tự mình hệ thống lại kiến thức sẽ hiểu sâu, nhớ lâu và hứng thú với môn học hơn.

Ví dụ về bài tập, khi nghiên cứu về chương “Dao động cơ ”, giáo viên đưa ra từ khoá “Dao động cơ ”, sau đó định hướng nhánh cấp 1 rồi dùng các câu hỏi có tính chất gợi mở để học sinh xây dựng tiếp nhánh cấp 2, cấp 3..., hoàn thiện BĐTD.

Sau khi hoàn thiện BĐTD, giáo viên đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm tính toán, học sinh sử dụng ngay BĐTD vừa xây dựng để giải và trả lời các câu hỏi của giáo viên.

Sau 1 tiết học, học sinh có thể giải được nhiều dạng bài tập, phát triển tư duy của học sinh một cách tối đa đồng thời tạo ra niềm đam mê, hứng thú đối với môn học.

Sử dụng BĐTD bồi dưỡng học sinh giỏi

Ví dụ với chương “Dao động cơ", các dạng bài tập về con lắc đơn và con lắc lò xo chiếm hầu hết dạng trong đề thi học sinh giỏi. Giáo viên đưa ra từ khoá “bài tập về sự thay đổi chu kỳ của con lắc đơn”. Bằng các câu hỏi định hướng, gợi mở học sinh sẽ xây dựng các nhánh cấp 1, cấp 2, cấp 3...và hoàn thiện BĐTD.

Sau khi hoàn thiện BĐTD, giáo viên đưa ra cho học sinh hệ thống các bài tập về sự biến thiên chu kỳ của con lắc đơn để học sinh vận dụng chính những công cụ mình vừa góp phần tạo ra vào để giải quyết bài toán. Sau tiết học, học sinh sẽ có hệ thông phương pháp logic, đầy đủ và hứng thú với việc học tập.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]