Đi bơi - Coi chừng mắc bệnh

Mùa hè đã đến với cái nóng oi bức làm cho các bể bơi trở nên đắt khách. Thế nhưng, dường như chất lượng tại các bể bơi đang được thả lỏng mà không có sự kiểm tra,

15.5995

Mùa hè đã đến với cái nóng oi bức làm cho các bể bơi trở nên đắt khách. Thế nhưng, dường như chất lượng tại các bể bơi đang được thả lỏng mà không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của ngành chức năng. Hơn nữa, với số lượng bể bơi còn quá ít ỏi như hiện nay, cầu luôn vượt cung và người yêu thích môn bơi lội đành chấp nhận những gì đang có mà không có nhiều sự chọn lựa.

Nắng hầm hập, từng đoàn người kéo nhau đến bể bơi Tăng Bạt Hổ để tránh cái nóng rát bỏng mặt. Ngay lối vào bể là một dãy hàng ăn uống, rác vứt bừa bãi, mất vệ sinh môi trường. Tại cửa bơi nữ có một nhân viên kiểm soát vé, mặc dù quy định khi xuống bơi phải thay quần áo, tráng qua chân sạch sẽ nhưng bên trong khu vực thay đồ chúng tôi vẫn bắt gặp nhiều người không thực hiện quy tắc này mà chẳng có ai kiểm soát.

 Nước bể bơi không được giám sát dễ lây lan một số loại bệnh. Ảnh: TV

Dưới đáy bể tráng nước sạch là một lớp cát, cửa nẻo trông tạm bợ. Bể bơi đông nghẹt, người lớn, trẻ em nhốn nháo, thỉnh thoảng dưới nước lại thấy nổi lên rác, lá cây vàng úa. Chẳng có quy định về lượng người được bơi dưới bể, vào mấy ngày nắng nóng này người đổ đến càng đông, chật kín. Cô bán vé cho biết, giá vé trẻ em là 10.000 đồng/lượt và người lớn là 15.000 đồng/lượt, còn mua vé tháng thì 300.000 đồng, học bơi là 250.000 đồng, không khống chế lượng người.

Còn ở An Giang, theo phản ánh của hầu hết người yêu thích môn thể thao bơi lội, hiện có rất nhiều vấn đề về vệ sinh an toàn ở các bể bơi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mọi người đang cần  ngành chức năng thắt chặt quản lý.  Điều đáng kể đầu tiên là chất lượng nước. Ngoài hồ bơi Nguyễn Du - một hồ bơi có tiếng, nhìn về mặt cảm quan có vẻ khá trong lành, còn lại đa số bể bơi tư nhân khác, chẳng biết các doanh nghiệp xử lý nước ra sao mà chỉ cần nhìn với mắt thường đã thấy bụi lơ lửng, chưa kể đôi khi còn có cả rác như vỏ lon nước uống, thức ăn do những người đi bơi vô ý thức xả rác trong bể và chủ hồ “quên” không vớt như bể bơi Ngôi Sao ở thị xã Châu Đốc.

Mùa hè năm nào cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cũng tổ chức từ 1-2 đợt đi kiểm tra hệ thống bể bơi trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc kiểm tra không xuể, vì thế đã phân cấp cho trung tâm y tế các quận, huyện kiểm tra, giám sát 1 tháng 1 lần. Hè 2009, tuy đang trong quá trình diễn ra đợt kiểm tra, nhưng hầu như chưa có lỗi vi phạm nào được lập biên bản xử lý.

Theo Khoa sức khỏe môi trường, TTYTDP Hà Nội  thì việc kiểm tra tiến hành chủ yếu vào khâu vệ sinh môi trường xung quanh bể bơi, vệ sinh chất lượng nước; công tác khử khuẩn. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng kết hợp kiểm tra trang thiết bị như: áo phao, sào, gậy, loa gọi, thuốc cấp cứu, chống sốc, cáng nẹp... điều kiện bắt buộc mỗi bể bơi đều phải có. Ngoài ra còn kiểm tra cả phòng y tế, căng tin, quầy bán hàng ăn uống... có bảo đảm ATVSTP hay không?

Cán bộ của TTYTDP cho biết thêm, nếu bể bơi nào vệ sinh chất lượng nước kém, công tác khử khuẩn không bảo đảm thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng, thông thường hay gặp nhất là bị viêm da, viêm tai giữa, viêm giác mạc...

Đã đến lúc ngành chức năng cần đưa ra những quy định cụ thể, có giám sát định kỳ. Bên cạnh đó là khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư  mới  loại hình dịch vụ hồ bơi  để có thêm đối tác cạnh tranh. Với xu hướng hiện nay, các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu cuộc sống con người đang có xu thế cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, trong đó chú trọng đến công trình vệ sinh để thu hút người đến thụ hưởng. Vậy thì không vì lý do gì mà một nhu cầu chính đáng của người dân trong phong trào rèn luyện sức khỏe như bơi lội lại bị bỏ quên!    

Trần Vinh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]