Đừng gây cười bằng cách… rẻ nhất! (*)

GiadinhNet - Trong chương trình “2!Idol” phát tối 16/6 trên sóng VTV9, hai MC là Khởi My và Hoàng Phi đã đem bài thơ nổi tiếng “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan ra bình luận theo giọng hài hước, châm biếm, khiến dư luận bức xúc.

15.5842

Ca sĩ Kyo York (trái) trong chương trình “2!Idol”

 
Ca sĩ Kyo York giải thích rằng đây chỉ là một chương trình giải trí, nên cần phải được nhìn nhận từ góc độ… giải trí(?!). Báo GĐ&XH trân trọng giới thiệu bài viết của PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái về vấn đề này.
 
Sự ấu trĩ của người tổ chức

Lỗi của chương trình này không chỉ thuộc về hai MC dẫn  chương trình, cùng vị khách mời là ca sĩ trẻ người Mỹ, khi họ cùng tung hứng ăn ý với nhau để xuyên tạc thô lậu, nhảm nhí, rất phản cảm về bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan. Cái phần điều chỉnh, vớt vát ý nghĩa bài thơ, ở cuối cuộc xuyên tạc thô thiển này, chẳng hề vãn hồi ý nghĩa đích thực và cổ điển của giá trị tự thân bài thơ. Trước hết, chính là lỗi ứng xử văn hóa của người không xuất hiện trên truyền hình, mà đứng phía sau màn ảnh nhỏ. Đó là người tổ chức và quan niệm về tính giải trí của chương trình, đã dường như cho rằng chương trình phải là như thế mới hay, phải được cấu trúc trên tinh thần “hài hước hóa”, cốt gây cười giải trí bằng bất cứ giá nào có thể, mới là thành công(!?).

Đây là cách quan niệm và cách tổ chức đã trở nên khá thông thường không chỉ của chương trình này. Có điều, nó đang có vấn đề về sự thực hiện và thể hiện trong ngôn ngữ truyền hình của chương trình này, về căn bản là thiếu văn hóa trong ứng xử của các nhà báo hình, đối với việc đưa một bài thơ kinh điển của văn học Việt ra để giễu cợt.

Dù có nhiều ý kiến công bằng rằng: Trách ca sĩ người Mỹ 1 thì trách nhà Đài 10 lần. Ý kiến của tôi là:  Nếu trách 2 MC dẫn chương trình 1, thì phải trách người tổ chức, điều hành, biên tập, duyệt cho ra chương trình này 10 lần. Theo cấp số nhân, nếu “phổ” vào đây một ý hài hước, thì sẽ trách họ 100 lần, vì họ là khởi nguồn của lỗi ứng xử văn hóa này!
 
Hãy học lấy một phép ứng xử văn hóa

Vì vậy, cách xuyên tạc vô lối bài thơ ấy của cả 2 MC và vị ca sĩ trẻ Mỹ này trước hết là do bị chi phối bởi tiêu chí của chương trình đã được định vị từ kịch bản, trên tinh thần cái gì cũng có thể đem ra làm trò cười được và phải gây cười bằng mọi giá…dù là giá rẻ nhất! Tôi chạnh nghĩ: Nếu đã đem một bài thơ kinh điển như thế ra để đùa cợt nhăng nhố, sai lệch, thậm chí xúc phạm thơ ca cổ điển Việt đến thế, thì người ta sẽ  chẳng còn ngại ngần gì với bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi… Thậm chí, rồi rất có thể là “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ Đồ Chiểu có thể cũng chẳng tha, với lý do “lãng nhách” kiểu: “Đã là chương trình nhằm gây cười, thì cái gì mà chẳng cười được?!”.

Nên chăng, phải rà soát thật kỹ lại cách tổ chức, cách quan niệm, cách xây dựng kịch bản, cách biên tập… một chương trình giải trí bằng tiếng cười, sao cho có tính giải trí thật sự hữu hiệu, trên cơ sở tính chuyên nghiệp cao của những nhà báo chuyên sử dụng ngôn ngữ truyền hình trong nghề báo hình đặc thù của mình. Vì công chúng truyền hình hoàn toàn không phải độc giả đọc báo in, không phải thính giả nghe đài, người truy cập báo điện tử… Họ đối diện với màn ảnh nhỏ mỗi ngày và họ luôn có những nhận xét thật công bằng  xác đáng và luôn muốn được xem những chương trình tử tế.

Xin hãy lắng nghe họ, tôn trọng họ, mà học lấy một phép ứng xử văn hóa của dân gian Việt: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Vì thế, nhà báo truyền hình, dù ở vị trí nào, đứng trên sóng hoặc phía sau sóng truyền hình, cũng hết sức nên tránh những lỗi văn hóa trong ứng xử với ngôn ngữ truyền hình, như những lỗi đã mắc có vẻ rất “hồn nhiên” ở chương trình này.

(*) Tít chính và các tít phụ do GĐ&XH đặt.
 
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái
Tin liên quan
Tags
  • 0

Tin cùng mục

GỬI Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Xem thêm
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]