Thịt nhái chứa nhiều protein, lipid, các muối Ca, P, Fe các vitamin B1, B2, PP, có vị ngọt cay, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống viêm, trừ cam tích, được dùng trong những trường hợp sau:
Dùng ngoài, theo kinh nghiệm dân gian, thịt nhái bỏ ruột, sao đen, tách nhỏ, trộn với dầu vừng hay dầu lạc, đắp chữa mụn lở lâu ngày. Hoặc thịt nhái giã nhuyễn với củ hành, đắp chữa hột xoài. Để chữa đinh râu, vết tụ máu bầm tím, lấy thịt nhái phối hợp với lá mua, lá cà pháo, giã nhỏ thêm ít nước vo gạo, gói vào băng gạc, nướng đắp hoặc chữa sâu quảng, lấy nhái giã nhỏ với rau răm và lá lốt, rồi đắp.
Tuy nhiên việc chữa bệnh bằng nhái cũng có những mặt không tốt. Ở một số địa phương, nhân dân thường dùng nhái để giã nát, ép lấy nước uống sống để chữa phong tê đau, đòn ngã tổn thương, ngoại thương xuất huyết. Đặc biệt nhiều người còn giã nhái sống, đắp vào mắt để chữa đau mắt đỏ, ngứa chảy nhiều nước mắt. Họ cho rằng đắp nhái có cảm giác mát dễ chịu hơn dùng các loại lá cây. Đó là việc làm rất nguy hiểm vì trong thịt nhái luôn có sán lá là vật trung gian truyền bệnh cho người.