Ford Ranger "đối đầu" Mazda BT50: Chọn xe bán tải nào tốt?

(ĐSPL) - Thị trường xe bán tải Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, chứng kiến sự thống trị của Ford Ranger cùng sự quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của Mazda BT50, Nissan Navara NP300 hay Chevrolet Colorado.

15.5953

Với doanh số năm 2014 chiếm đến hơn 50% thị phần, có thể coi là ông trùm của của thị trường nếu tính theo tiêu chí doanh số bán ra. Trong số những kẻ thách thức Ranger, đối thủ đáng gờm nhất chính là người anh em song sinh Mazda BT50 với doanh số 2.200 xe năm 2014, chiếm hơn 20% thị phần. Điểm đáng kể là trong đầu năm 2015, doanh số BT50 tăng mạnh, có thời điểm vượt quan Ranger (tháng 2/2015), xét về tổng doanh số hiện tại thì 2 mẫu xe đang cạnh tranh ngang ngửa với nhau tại Việt Nam.

Nói BT50 là người anh em song sinh của Ranger là bởi 2 chiếc xe vốn được sử dụng chung khung gầm, động cơ, được phát triển chung trên cùng 1 plattform. Nói cách khác, sự cạnh tranh của Ford Ranger và là một cuộc chiến vừa khốc liệt vừa thú vị, như một cuộc tìm kiếm ngôi vị số 1 giữa những người anh em.

Về động cơ, vận hành

Như đã nói, việc 2 chiếc xe được sử dụng chung 1 hệ thống khung gầm, động cơ nên xét theo khía cạnh thuần túy về cơ khí, khách hàng lựa chọn chiếc xe nào cũng được. Thật vậy, thử soi 2 phiên bản cao cấp nhất của 2 model là Ranger Wildtrack 3.2L và BT50 AT 3.2L , chúng đều sử dụng động cơ I5, con số chênh lệch là không đáng kể với công suất 197 mã lực tại 3.000 vòng/phút và momen xoắn cực đại 470Nm tại 1.750 - 2.500 vòng/phút với BT50 và 200 mã lực, tại 3.000 vòng/phút momen xoắn cực đại 470Nm, tại 1500-2750 vòng/phút cho Ranger.

Đáng lưu ý, trọng lượng không tải của Ranger là 2.169kg, còn của BT50 là 2.150 kg. Do đó, sự chênh lệch công suất 3 mã lực kia được bù đắp là ngang ngửa.

Phóng to

Ford Ranger 

Về thiết kế

Dù là 2 anh em song sinh, song triết lí của 2 hãng Ford và khác nhau nên 2 chiếc xe mỗi chiếc mang một dáng vẻ riêng.

Về kích thước, 2 xe có kích thước tương đương khi thông số Dài x Rộng x Cao lần lượt là 5351 x 1850 x 1821, chiều dài cơ sở 3.220 (mm) với Ranger và 5.365 x 1.850 x 1.821 cùng chiều dài cơ sở 3.220 (mm) với BT50. Như vậy, chiều dài của BT50 nhỉnh hơn 1 chút với Ranger.

Ford Ranger sở hữu hình khối khoẻ khoắn mang hình dáng của một chiếc “pick-up high rider” cao ráo. Mặt ca-lăng gồm ba thanh ngang gợi nhớ tới mẫu F-150 series huyền thoại của Ford. Đặc biệt hơn cả, Ford đã thiết kế sẵn hai khe hút gió bên hông để người mua xe có thể độ thêm cổ hút gió vào Ranger, chi tiết này rất cần thiết cho các tín đồ Offroad.

Mazda BT50 thì ngược lại, xe sở hữu một thiết kế mềm mại hơn với phần đầu nổi bật với lưới tản nhiệt dạng “tổ ong”, thanh ngang cứng cáp và đơn giản ở bản 2010 đã được thay thế bằng một đường cong , logo Mazda vẫn được đặt nổi bật ngay chính giữa, bên dưới là một đường nẹp mạ crôm uốn theo cản trứơc. Có thể thấy phong cách thiết kế KODO đã ảnh hưởng lên chiếc bán tải này. Thân xe có thiết kế thuôn dài khá mềm với những đường gân dập nổi uốn lượn theo các hốc bánh trong khi đuôi xe thiết kế đèn hậu lớn khá dữ dằn.

Nhìn chung, theo đánh giá của số đông thì nhìn Ranger mạnh mẽ đúng chất pickup hơn BT50. Tuy vậy, sự mềm mại của BT50 cũng khiến bạn nổi bật giữa một rừng xe cơ bắp theo phong cách Mỹ.

Phóng to

Mazda BT50 

Về trang bị tiện ích, nội thất

Nội thất của BT50 đa số là nhựa cứng nhưng không có cảm giác rẻ tiền. Các chi tiết được tạo hình đối xứng, trau chuốt như một chiếc sedan đem lại một không gian cầu kì, lịch sự hơn. Nội thất hai tông màu xám và rất nhiều các “vệt sáng bóng” của nhôm ốp xuất hiện quanh các đồng hồ hiện thị thông tin, trên mặt bảng điều khiển trung tâm, công tắc cửa và tay nắm cần số…

Hệ thống giải trí trên xe gồm gồm đầu CD tích hợp Radio/AUX/USB/iPod và 4 loa tiêu chuẩn (bao gồm cả loa Treble). Công nghệ an toàn trên xe bao gồm ABS (cho phanh đĩa phía trước), cân bằng điện tử DSC (cả những chiếc sedan hạng sang như Camry vẫn chưa được trang bị), hệ thống kiểm soát tốc độ Cruise Control, hệ thống đèn pha/gạt nước mưa tự động, gương chiếu hậu bên trong chống chói, cảm biến lùi và 4 túi khí…

Ranger cũng sở hữu một không gian nội thất ấn tượng với táp lô có thiết kế kiểu dáng chiếc điện thoại. Các nút điều chỉnh các chế độ được bố trí thuận tiện cho người lái, vô lăng tích hợp các nút chức năng giúp người lái điều khiển hệ thống giải trí, cũng như kích hoạt chức năng Cruise Control.

Hệ thống giải trí tiện ích của Ranger cũng được trang công nghệ thông minh như tích hợp Bluetooth, USB và iPod cùng hệ thống điều khiển bằng giọng nói. Điểm nhỉnh hơn của xe chính là nội thất Ranger là ghế da pha nỉ so với ghế nỉ cao cấp của BT50. Tuy nhiên, theo một số người sử dụng thì các bố trí không gian nội thất của BT50 đem đến cảm giác rộng rãi hơn và độ cách âm cũng nhỉnh hơn 1 chút so với Ranger.

Phóng to

Ranger sở hữu một không gian nội thất ấn tượng với táp lô có thiết kế kiểu dáng chiếc điện thoại. 

Về sự lựa chọn sản phẩm

Xét ở tiêu chí này, Ranger chiếm ưu thế khá lớn với BT50 khi hiện tại đang có 9 phiên bản Ford Ranger được bán với mức giá trải từ 595 triệu cho bản Ranger Base 2.2 MT đến 828 triệu cho Ranger Wildtrack 3.2. Với BT50 hiện tại chỉ có 3 phiên bản MAZDA BT50 AT 3.2 L : 810 triệu, MAZDA BT50 AT 2.2 L : 699 triệu và MAZDA BT50 MT 2.2 L : 673 triệu.

Tuy nhiên, vấn đề hiện tại của Ranger là sự chậm trễ trong khâu giao nhận hàng khi nhiều khách phải đợi 3-4 tháng mà vẫn chưa có xe trong khi điều này ít khi xảy ra với BT50. Lí giải nguyên nhân có thể là do nhu cầu đối với Ranger vượt quá năng lực cung cấp của Ford, cộng thêm khả năng cung cấp của Mazda nhanh chóng hơn.

Một điểm đáng lưu ý, lựa chọn màu sắc trên Ranger không được thỏa mái khi mỗi mẫu xe chỉ được 1 vài màu nhất định. Ngược lại, khách hàng của BT50 có thể tùy chọn 7 màu xe cho mỗi phiên bản, tương đương với tổng thể là 21 sự lựa chọn màu sắc cho xe.

Thêm vào đó, khách hàng mua BT50 được tặng kèm kha khá “đồ chơi” hữu dụng như nắp thùng canopy, phim dán cách nhiệt, cản sau,...đây là những thứ mà khách mua Ranger cũng thường có nhu cầu nhưng phải mua thêm, qua đó vô hình chung cũng đẩy số tiền thực sự mà người tiêu dùng bỏ ra để mua sản phẩm lên.

Phóng to

Nội thất của BT50 đa số là nhựa cứng nhưng không có cảm giác rẻ tiền. Các chi tiết được tạo hình đối xứng, trau chuốt như một chiếc sedan đem lại một không gian cầu kì, lịch sự hơn.

Về chi phí sử dụng

Nhìn chung, 2 chiếc Ranger và BT50 có chi phí sử dụng khá thấp, thuộc dạng xe “nồi đồng cối đá” bởi bản thân là những chiếc “xe tải” đích thực. Thêm vào đó, do chia sẻ hệ thống động cơ, khung gầm nên chi phí vận hành của 2 xe không chênh lệch nhau nhiều. Tuy nhiên, nếu có sự so sánh chi li hơn thì chi phí bảo dưỡng của Ford Ranger sau mỗi 10.000 km rơi vào khoảng 11 triệu đồng, còn của BT50 rơi vào mức 8 triệu đồng. Con số chênh lệch 3 triệu là không quá lớn, song cũng là điều mà nhiều khách hàng sẽ suy nghĩ khi cân nhắc đắn đo giữa các sản phẩm.

Kết luận

Như vậy, qua những so sánh đơn giản ở trên có thể thấy Ford Ranger và Mazda BT50 là 2 đối thủ đồng cân đồng lạng, không có xe nào vượt trội xe nào mà mỗi chiếc có một thế mạnh riêng. Ranger theo phong cách Mỹ với vẻ ngoài cứng rắn và hệ thống tiện ích mang màu sắc hiện đại còn BT50 theo phong cách châu Á điển hình với sự mềm mại của ngoại thất và sự chắc chắn, lịch lãm của không gian nội thất tiện ích.

Lợi thế của Ranger là kẻ đến trước đã tạo được một nền móng khá mạnh, còn của BT50 là khát khao vươn lên của kẻ thách thức với nhiều ưu đãi lớn. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, sự lựa chọn xin được dành cho khách hàng theo đúng nhu cầu và gu thẩm mĩ của mình.

Thắng Trần

Video: Sử dụng điều hòa thế nào để không bị bệnh?








0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]