Giải pháp tức thời hay tầm nhìn dài hạn?

Nhiều giải pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, tạo điều kiện để các tổ chức ngân hàng (NH) thực sự trở thành nhân tố tích cực, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế đất nước đã được các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các NH nêu ra tại Hội thảo khoa học “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”, do Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Trường Đại học Tài chính - Marketing và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phối hợp tổ chức sáng nay 8/6/2012.

0


Hội thảo tập trung thảo luận, trao đổi ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm học thuật về những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các NHTM.

Theo đó, các tham luận cũng nêu rõ, hệ thống các NHTM Việt Nam đã lớn quá nhanh, tăng trưởng vuợt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống mạng lưới hoạt động phát triển rộng khắp cả nước, tạo tiền đề vững chắc cho Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường, đồng thời đóng góp to lớn cho quá trình tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến các NHTM dần bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, yếu điểm.

Theo ThS. Vũ Thị Phương Hoa, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, tình hình thanh khoản ở các NHTM hiện nay rất căng thẳng. Cụ thể, ở thị trường cấp một đang diễn ra cuộc chạy đua về lãi suất, tỷ lệ cho vay/huy động vốn có xu hướng tăng và đứng ở mức cao.

Trong khi đó, tại thị trường cấp hai, các ngân hàng vay mượn lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng cũng phải có tài sản thế chấp.

Theo các chuyên gia, do sự lớn mạnh quá nhanh, nên một số NHTM đang dần bộc lộ nhiều yếu kém, như: vốn điều lệ thấp, tính thanh khoản thấp, tỷ lệ nợ xấu gia tăng, trình độ quản trị còn yếu, nguồn nhân lực chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu..., dẫn đến tình hình hiện nay là đối tượng đó cũng rất khó có khả năng trụ vững. Vấn đề cấp bách là phải nhanh chóng tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam.

Đóng góp các giải pháp về tái cấu trúc hệ thống NHTM, các tham luận trình bày tại hội thảo và gửi đến hội thảo cũng thể hiện rõ quan điểm, nên mạnh dạn, dứt khoát để quá trình tái cấu trúc được thực thi hiệu quả.

Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh đến việc nâng cao khả năng tự chủ tài chính của các ngân hàng, tăng cường khả năng huy động vốn và sử dụng vốn hiệu quả, giảm thiểu những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, chủ động thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Song, đứng ở góc nhìn của người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực luật, ông Lương Văn Lý, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đại Nam Long (DNL Partners) lưu ý, ở thời điểm hiện tại, việc tái cấu trúc NH không thể thành công, trừ khi, phải xem đó là liệu pháp thức thời cho qua cơn đau hiện nay.

Do đó, cần có cái nhìn trung và dài hạn cho các NHTM, trong đó hai yếu tố nên tiên phong chú trọng đầu tư hiện nay là nguồn nhân lực và trang thiết bị công nghệ hiện đại.

Còn TS. Phạm Hữu Hồng Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing thì đề xuất, NH Nhà nước cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, năng lực xây dựng chính sách, năng lực dự báo, chất lượng cán bộ và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.

Nên cơ cấu lại tổ chức và chức năng nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả điều hành vĩ mô theo hướng xây dựng một NH Trung ương hiện đại, phù hợp với thông lệ chung của thế giới, đồng thời tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách đảm bảo cho hệ thống NH được hoạt động thuận lợi, an toàn và hiệu quả.

LÊ LOAN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]