Cũng giống như gừng, tỏi là một gia vị không thể thiếu trong thực đơn mỗi bữa ăn của các gia đình Việt. Công dụng không chỉ bó hẹp ở các gian bếp, tỏi còn có khả năng vươn xa trong việc phòng và chữa nhiều loại bệnh, đặc biệt tỏi còn được xem là "khắc tinh" của nhiều loại bệnh ung thư. Kỹ thuật trồng tỏi rất dễ, có thể trồng thời điểm quanh năm mà tỏi vẫn lên tươi tốt.
Kỹ thuật trồng tỏi tại nhà không quá khó
Chọn thời gian trồng tỏi
Nên trồng tỏi vào khoảng tháng 8 hay tháng 2 hoặc tháng 3. Nên chuẩn bị đất thịt pha cát, thoát nước tốt và trồng nơi có nhiều ánh sáng.
Chọn tỏi giống
Tỏi giống nên chọn loại tỏi sạch để tránh dính hóa chất. Chọn củ tỏi có tép tỏi lớn, cứng do mỗi tép tỏi sẽ mọc lên một cây mới. Tránh chọn loại giống có tép tỏi bé, bị vỡ hay lép.
Cách trồng
Cách đơn giản nhất, hãy tách một nhánh tỏi khỏi củ, dùng 3 que tăm, xuyên đều 3 phía và đặt nhánh tỏi vào lọ, chén đựng nước sạch. Thay nước cho nhánh tỏi thường xuyên, chúng sẽ nhanh chóng ra rễ và lên mầm. Cách làm này tuy tỏi mọc chậm nhưng lại rất dễ dàng.
Tỏi có rất nhiều công dụng trong chữa bệnh
Cách 2: Hãy chuẩn bị loại tỏi mà gia đình thích ăn (tỏi đen, tỏi lý sơn...). Nhẹ nhàng tách các nhánh tỏi và giữ chúng không bị trày xước hoặc dập nát. Chọn những tép chắc mẩy nhất rồi bắt đầu trồng mỗi tép tỏi sâu khoảng 5cm vào trong đất. Mỗi tép tỏi được trồng nên cách nhau khoảng 20cm để phát triển toàn diện nhất.
Chăm sóc tỏi
Khi mới trồng, cần tưới nước đủ ẩm để rễ phát triển. Đến khi cây đã nhú mầm thì chỉ cần tưới 1 tuần/lần nếu trời không có mưa. Bên cạnh đó, nếu trồng tỏi vào mùa xuân nên bón phân hữu cơ vào mùa thu và bón vào mùa xuân nếu trồng vào mùa thu.
Cần quan sát phần lá tỏi, khi lá tỏi khô héo, các nhánh tỏi phía trên đã ngả sang màu vàng cũng đồng thời là lúc củ tỏi phía dưới đủ lớn để thu hoạch. Chọn mua những túi lưới đựng tỏi để giữ được trong môi trường khô và thoáng. Để tỏi ở chỗ tối cũng giúp giữ tỏi được lâu hơn.
Nguyễn Thùy (T/h)