Joe “Dâu” nổi tiếng nhờ viết blog tiếng Việt

Lớn lên tại Vancouver, Canada, làm việc tại Hàn Quốc, thế nhưng chỉ một lần đến Việt Nam, Joe đã bị món nem chua rán phố Hàng Bông “đánh gục” và quyết định ở lại xứ này

0
Dâu” hiện là sinh viên khoa tiếng Việt của ĐH KHXH-NV thuộc ĐH Quốc Gia Hà Nội, chuyên gia tư vấn truyền thông và là chủ nhân của một blog có số người truy cập khổng lồ... Bị quyến rũ bởi những món ăn ngon Joe Ruelle (tên tiếng Việt là Dâu) cười bảo, chuyện mình đến Việt Nam là hoàn toàn tình cờ. Sinh ra và lớn lên tại Canada, hè 2002, Joe sang Hàn Quốc làm việc. Tháng 9-2002, từ Hàn Quốc sang Việt Nam tham dự một khóa thực tập ngắn, Joe bất ngờ bị hai “người đẹp” là nem chua rán và bún chả hút hồn! Và thế là bỏ mọi thứ, gia đình, công việc, người quen cũ... Joe sang Hà Nội học tiếng Việt. Hơn ba năm rong ruổi khắp các ngả đường, tiếp xúc với rất nhiều người, Joe đã sở hữu một kho tiếng Việt rất phong phú, đến nỗi, người nào ít giao tiếp khó có thể theo được cách nói “đường chợ” của anh. Giới thiệu mình trên blog (http://blog.360.yahoo.com/blog-ZMOTQG87dKNqpNerKypCkL2a) Joe rất hóm hỉnh “Mình là Joe, phát âm giống... Mai Văn Dâu! Năm nay mình 27 tuổi (tính theo tuổi tây, chứ nếu tính theo kiểu ta thì mình đã 28 tuổi rồi). Chưa có vợ, chưa có người yêu, vẫn đang tìm (phải quảng cáo tí chứ). Nổi tiếng và “đắt hàng” bất ngờ Anh viết blog. Ban đầu, chỉ là để tăng khả năng tiếng Việt của mình, không ngờ lại có nhiều người vào xem đến thế. Blog của Joe “đắt khách” bởi anh viết tiếng Việt quá hay, quá “kinh điển” và dí dỏm. Tiếng Việt của Joe là kiểu tiếng Việt kết hợp giữa trường học và trường đời. Trên bàn làm việc của anh bao giờ cũng có 2 quyển vở. Một quyển sử dụng ở trường với đầy đủ những từ chuyên môn, quyển thứ 2 thú vị hơn nhiều. Trong đó là những từ Joe đã học qua bạn bè, đường phố. Những ngôn ngữ ấy được anh khéo léo đưa vào bài viết của mình và được các công dân mạng cực kỳ hâm mộ. Nổi tiếng “bất thình lình” nhờ blog với những bài viết sắc sảo mà dí dỏm, Joe cũng bất ngờ đắt sô với báo chí và truyền hình. VTV1 đã quay một chương trình về anh, Báo Thanh Niên nhờ anh viết bài cho chuyên mục của báo. Và trước đó, Joe đã là một cộng tác viên thân thiết của Báo Lao Động với Góc của Joe đăng tải hằng tuần. Quá yêu Việt Nam, Joe quyết định 2 năm nữa, sau khi học xong tiếng Việt sẽ tìm một công việc ở Hà Nội, cưới một “người đẹp” Việt Nam và định cư lâu dài ở xứ sở thân thiện này. Những suy nghĩ nhuốm màu “tại sao?” Đã đi nhiều nơi trên thế giới, Joe có cái nhìn khá sắc sảo về cuộc sống muôn màu ở những nơi anh đã đi qua. Joe viết: “Sống ở Việt Nam mình thấy rất nhiều điều khó hiểu. Tại sao khi có hai người ăn cơm đĩa thì người phục vụ cứ mang cơm ra từng đĩa một, không phải cả hai đĩa cùng một lúc? Tại sao người biết ít thường giả vờ biết nhiều, và người biết nhiều thường giả vờ biết ít? Tại sao lấy vợ thì phải xem tông và lấy chồng thì phải xem giống? Nói chung 4 năm vừa rồi nhuốm màu “tại sao?”! Nhưng duy chỉ có một điều mình thấy khó hiểu nhất. Không phải là vì điều đó “vô lô-gíc” – rõ ràng nó có lô-gíc riêng của nó – chỉ là vì nó rất khác với những gì mình đã từng học từ khi còn rất bé, nên mình thấy nó rất “khó nuốt”. Và viết về âm nhạc Việt Nam, Joe cũng làm cho người khác bật cười để rồi sau đó xót xa cho nhạc Việt sau những ngôn từ dí dỏm của một chàng trai Canada mới học tiếng Việt. “Ka-ra-ô-kê". Bốn âm tiết mà không ai ở Việt Nam có thể bỏ qua được. Trước khi sang Việt Nam mình đã không biết karaôkê là cái gì cả. Nhưng sau khi đến xứ sở này mình đã nhanh chóng nhận ra một điều là: sống ở Việt Nam mà không đi hát karaôkê thì khác nào ăn canh không có mì chính, như người ta hôn nhau mà không có râu! (cứ tưởng tượng đi!) Thế là mình mua một bộ loa và một số DVD karaôkê mang về nhà rồi luyện hát...

Khi xem các DVD đó, mình phát hiện một vài điều rất thú vị! (Hay là rất thú vị đối với mình thôi, mình không biết nữa!). Nghệ sĩ Việt Nam cực kỳ thích cái từ “xót xa”! Ngay sau khi mua các DVD đó, mình chọn một cái cho vào máy vi tính xem thử. Bài đầu tiên có từ “xót xa”. “Xót xa là gì?” Mình tự hỏi mình. Mình nghe bài thứ 2. Lại có từ xót xa. Mình nghe bài thứ 3. Lại có. Mình nghe bài thứ 4. Lại có. Rồi bài thứ 5 và nó... lại có! Lạ nhỉ! (Lúc đó mình tra từ điển đọc rất kỹ định nghĩa của từ này). Không phải chỉ riêng từ “xót xa” thôi mà cũng có một số từ khác lại luôn luôn xuất hiện trong bài hát Việt Nam “lẻ loi”, “cô đơn”, “nỗi đau”, hoặc “gian dối”...

Yến Anh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]