Không thể quy định “sức khỏe tâm thần” với đại biểu ứng cử

“Trong Luật bầu cử chỉ cần ghi đại biểu đảm bảo sức khỏe thôi, còn chi tiết quá rất khó và dài, vì đâu chỉ sức khỏe tâm thần mà còn nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo khác như tim mạch, ung thư...”.

15.5874
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh: ND)

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với PV Báo điện tử Infonet ngày 6/11 xoay quanh đề xuất đại biểu ứng cử phải có giấy chứng nhận sức khỏe tâm thần được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra khi thảo luận về Luật bầu cử.

Khi thảo luận về Luật bầu cử chiều qua (5/11), nhiều ý kiến tại đoàn TPHCM đã đề nghị cần phải kiểm tra sức khỏe người ứng cử, đặc biệt trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần, ông nghĩ sao về đề xuất này?

Đây mới chỉ là ý kiến ban đầu của đại biểu trong quá trình thảo luận. Còn trong dự thảo có quy định tiêu chuẩn đại biểu, có đưa ra tiêu chuẩn về sức khỏe nói chung, trong đó có nhiều yếu tố chứ không phải chỉ riêng về sức khỏe tâm thần.

Khi làm đại biểu, đại diện cho nhân dân và cử tri thì không những phải có trí tuệ mà còn phải có đầy đủ sức khỏe.

Nhưng liệu chúng ta có phải đưa ra yêu cầu kiểm tra, xác nhận đối với đại biểu ứng cử, vì có thể có trường hợp không phải bệnh thần kinh nhưng thuộc diện đa nhân cách thì sao?

Nếu biết như thế và có xác nhận như thế thì cử tri ai bầu? Trong luật thì chỉ quy định đại biểu phải đảm bảo sức khỏe thôi chứ không ai đi vào chi tiết quá.

Trước đề xuất của nhiều đại biểu và trước tình hình thực tế đang diễn ra với những hành xử, tranh luận giữa các đại biểu, nhiều ý kiến đã đánh giá đại biểu có vấn đề về trí tuệ, nếu không có quy định thì khó có thể ngăn ngừa?

Tôi thì cho đây là văn hóa ứng xử, văn hóa tranh luận thôi, còn việc bệnh tật thế nào thì mình không xác định được, cần phải có chuyên môn.

Về luật, như tôi đã nói chỉ cần ghi đảm bảo sức khỏe thôi, còn quy định chi tiết quá thì rất khó. Còn cụ thể chi tiết như thế nào thì ủy ban bầu cử sẽ hướng dẫn. Chứ trong luật mà nêu chi tiết thì sẽ rất dài, vì không chỉ sức khỏe tâm thần, mà còn nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo khác như tim mạch, ung thư... thì không thể ghi hết vào luật được.

Ông đánh giá như thế nào về những ồn ào trong tranh luận của một số đại biểu Quốc hội trong những ngày qua?

Theo tôi như vậy là không nên. Chúng ta có thể tranh luận trên hội trường về công việc chung, còn việc cá nhân thì không nên đưa ra như thế. Chúng ta nên khuyến khích tranh luận để đi đến một vấn đề, tiếp cận được chân lý, còn tranh luận về những vấn đề riêng tư của đại biểu thì không nên. Đã là đại biểu thì phải có văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử, văn hóa nghị trường với nhau.

Trước đây khi ban hành luật này, vấn đề sức khỏe tâm thần có được đại biểu nêu ra không, thưa ông?

Không, đây là lần đầu tiên đại biểu TP HCM đề nghị trong quá trình thảo luận tại tổ.

Khi nêu quan điểm, không phải chỉ một mà nhiều ý kiến đã đề nghị như vậy. Nếu điều này được đại biểu đề nghị do xuất phát từ thực tế phát sinh thì sao thưa ông?

Không phải. Theo tôi đề xuất của đại biểu TPHCM xuất phát từ cái chung thôi. Đại biểu yếu mà bệnh tật như thế thì không nên ứng cử là đúng rồi. Do vậy trong luật thì chỉ nên ghi đại biểu phải đảm bảo sức khỏe thôi.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dũng (thực hiện)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]