Kiến khoang lại “hoành hành” chung cư

GiadinhNet - Khoảng ba ngày trở lại đây, kiến 3 khoang lại tiếp tục hoành hành khiến người dân khu chung cư Bình Khánh mất ăn mất ngủ, đặc biệt là những hộ gia đình có trẻ con.

15.5977

Trưa 4/10 tại hộ gia đình bà Bùi Thị Hường ở tầng 2, tòa nhà D, lô J (chung cư Bình Khánh) cả nhà bốn người lớn đang tìm diệt kiến 3 khoang. Hầu như góc nhà, kẹt cửa đều có kiến. Bà Hường cho hay gia đình có dùng thuốc xịt muỗi, loại đang bán trên thị trường xịt để diệt kiến 3 khoang nhưng không hiệu quả. Gia đình anh Trần Hội Thông sống ở phòng bên cạnh bà Hường vừa nhấc cây lau nhà lên thì gần 20 con kiến 3 khoang túa ra.

Chung cư Bình Khánh có 4 tòa nhà cao 17 tầng. Từ đầu tháng 8 đến nay “dịch” kiến 3 khoang hoành hành khiến người dân nơi đây ăn không ngon ngủ không yên. Người dân nơi đây cho hay sau hai lần phun thuốc dập “dịch” của Y tế dự phòng Q.2, số lượng kiến 3 khoang đã giảm hẳn. Trước đó, theo lời người dân, chúng bay nhiều như kiến mối sau mưa. Ông Nguyễn Thanh Tùng-Trưởng ban quản lý chung cư lô J cho hay lũ kiến 3 khoang còn sót lại sau hai lần phun thuốc của ngành y tế cũng gây lo lắng nhiều cho người dân. “5h chiều 4/10, Ban quản lý chung cư lại tiếp tục cùng ngành y tế quận, thành phố phun thuốc diệt kiến 3 khoang, sớm trả lại sự bình an cho bà con nơi đây”-ông Tùng cho biết.

Trước đó, UBND Q.2 cũng đã đề nghị UBND 11 phường trên địa bàn quận chủ trì, phối hợp cùng các Ban quản lý chung cư tổng vệ sinh, thông báo người dân thường xuyên quét dọn sạch sẽ trong nhà và xung quanh nhà nhằm ngăn ngừa tình trạng kiến 3 khoang tấn công gây tổn thương. UBND Q.2 cũng công bố số điện thoại Phòng y tế (08-37470543) và Trung tâm y tế dự phòng quận (08-38874614) để người dân kịp thời thông báo khi phát hiện hoặc nghi ngờ ổ nguồn côn trùng.

Theo các chuyên gia côn trùng học, kiến 3 khoang, tên khoa học là Rove Beetle, có chứa độc tố tên pederin (C24H43O9N). Khi con vật đã chết khô và qua 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. Pederin có tính xuyên thấm qua da là độc chất tự nhiên. Khi loài kiến này chạm vào cơ thể người, theo phản xạ tự nhiên chúng ta thường dùng tay đập, chà xát để giết chúng, chất độc trong cơ thể theo đó đã thẩm thấu qua da gây bệnh. Vị trí viêm da thường là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng, với triệu chứng bong rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 - 36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét dạng giống như zona hay eczema hepeticum. Nếu pederin dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.    

Đỗ Bá

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]