Sâu bướm Mopane
Sâu bướm Mopane là giai đoạn ấu trùng của sâu bướm hoàng đế (Imbrasia belina) được tìm thấy chủ yếu ở miền Nam châu Phi. Sâu bướm Mopane là nguồn cung cấp protein quan trọng cho hàng triệu người dân bản địa Nam Phi. Hàng năm, việc thu hoạch sâu bướm Mopane được coi là một nghành công nghiệp triệu đô, đem lại thu nhập đều đặn cho phụ nữ và trẻ em.
Theo truyền thống, sâu bướm Mopane thường được đun sôi trong nước muối sau đó đem phơi khô. Sâu bướm thành phẩm có thể được sử dụng trong vài tháng mà không cần bảo quản lạnh và là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho người dân.
Theo các chuyên gia, hàm lượng dinh dưỡng mà sâu bướm Monape cung cấp còn cao hơn thịt bò. Một gói sâu bướm Monape 100g cung cấp 31mg sắt, trong khi đó 100g thịt bò khô chỉ cung cấp 6mg sắt mà thôi. Ngoài ra, theo FAO, sâu bướm Monape còn là một nguồn cung cấp đáng kể các chất kali, natri, canxi, phốt pho, magie, kẽm, mangan, đồng.
Con đuông (Một loài sâu sống trong thân cây dừa, trà là tại Việt Nam)
Được coi là sản vật đệ nhất Nam Bộ, con đuông có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau như nước lửa than, rán bột, cuốn lá cải... Nhưng đặc sắc nhất có lẽ là món đuông chà là tẩm nước mắm, còn gọi là “đuông lội sông”. Trong món ăn này, những con đuông béo mẫm còn sống sẽ được thả vào bát nước mắm và vùng vẫy trong đó. Thực khách sẽ gắp từng con, cho vào miệng nhai và cảm nhận hượng vị mềm, bùi, ngọt khó tả của món đặc sản này.
Mối
Để thoát khỏi tình cảnh những con mối đang hàng ngày gặm nhấm nhà của bạn, hãy áp dụng phương pháp của người dân Nam Mỹ và châu Phi sau đây. Đó là tận dụng chất dinh dưỡng của loài côn trùng này bằng cách chiên, phơi khô hoặc hấp trong lá chuối.
Theo các chuyên gia, mối chứa đến 38% protein, một loài mối đặc biệt ở Venezuela với tên khoa học Syntermes aculeosus còn có thể chứa 64% protein. Ngoài ra, mối cũng rất giàu sắt, canxi, axit béo thiết yếu và các axit amin như tryptophan.
Rươi
Ngoe nguẩy như… giun với hàng trăm đôi chân tua tủa hai bên, hình thù của loài rươi có thể khiến nhiều người rùng mình. Tuy vậy, chúng lại là một món đặc sản “quốc hồn quốc túy” của người Việt Nam. Hai món ăn nổi tiếng nhất làm từ rươi là mắm rươi ở các vùng ven biển và chả rươi Hà Nội.
Ấu trùng bướm đêm
Là món ăn "khoái khẩu" của thổ dân Úc, ấu trùng bướm đêm mang nhiều chất dinh dưỡng đặt biệt. Khi ăn sống, ấu trùng bướm đêm có vị như hạnh nhân, còn khi nướng trong than nóng, ấu trùng bướm đêm có vị như thịt gà nướng. Theo các nhà khoa học, ấu trùng bướm đêm chứa nhiều các axit oleic với chất béo không bão hòa đơn Omega – 9
Mặc dù có nhiều loài ấu trùng bướm đêm khác nhau nhưng theo nhiều người, ấu trùng của loài sâu bướm Endoxyla leucomochla là "chuẩn" nhất. Các ấu trùng này được người dân thu hoạch từ dưới lòng đất, nơi chúng sống nhờ vào rễ của cây bạch đàn và cây keo đen.
Châu chấu Chapulines
Châu chấu Chapulines là một loài châu chấu thuộc chi Sphenarium và được dùng làm thức ăn rộng rãi trên toàn miền Nam Mexico. Châu chấu ở đây thường được rang với tỏi, nước cốt chanh, muối hoặc với bột ớt khô. Theo nhiều nghiên cứu, loài châu chấu được xác định chứa đến 70% protein.
Các nhà khoa học lưu ý rằng, việc thu hoạch châu chấu làm thực phẩm là một biện pháp hữu hiệu để thay thế việc phun thuốc trừ sâu trên các cánh đồng. Điều này không chỉ loại bỏ được những nguy hiểm đến môi trường do thuốc trừ sâu gây ra mà còn cung cấp cho người dân địa phương nguồn dinh dưỡng và thu nhập cao từ việc bán châu chấu.
Ve sầu
Ve sầu, loài côn trùng rất quen thuộc của mùa hè cũng là một món ăn khoái khẩu ở vùng quê Nghệ An. Tại đây, ve sầu được bắt sau khi vừa lột xác và rang vàng với các loại gia vị trở thành một món đặc sản mà người nào thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi.
Mọt cọ châu Phi
Là một món ăn phổ biến trong nhiều bộ lạc ở châu Phi, sâu đục cọ được dân bản xứ thu nhặt từ những thân cây cọ. Với chiều dài cơ thể khoảng 10cm và chiều ngang 5cm, loài mọt cọ rất dễ chiên vì cơ thể có nhiều chất béo dù chưa qua chế biến.
Trong một báo cáo vào năm 2011 của tạp chí khoa học cho biết loài mọt cọ châu Phi là nguồn cung cấp một số chất dinh dưỡng như kali, kẽm, sắt và phốt pho, cũng như một số axit amin và không bão hòa đơn lành mạnh và các axit béo không bão hòa.
Bọ xít
Tên của loài bọ xít có vẻ không phù hợp với những sáng tạo về ẩm thực nhưng loài này lại đang được tiêu thụ nhiều trên phạm vi châu Á, Nam Mỹ và châu Phi. Bọ xít được xác định là loài côn trùng giàu những chất dinh dưỡng quan trọng như protein, sắt, kali và phốt pho.
Loài bọ xít khi gặp nguy hiểm thường tiết ra một mùi hôi rất độc hại. Chúng thường không được ăn sống nếu đầu hoặc bộ phận tiết mùi hôi không bị bỏ đi. Bọ xít còn có thể được chế biến bằng cách rang, hoặc ngâm trong nước và phơi khô.
Ngoài ra, nước có chất hôi của bọ xít sẽ mang tác dụng như một loại thuốc trừ sâu giúp đuổi mối tránh xa căn nhà của bạn.
Sâu bột
Sâu bột là ấu trùng của bọ cánh cứng và là loài côn trùng duy nhất được phương Tây tiêu thụ. Phát triển mạnh trong môi trường khí hậu ôn đới, loài sâu này được nuôi ở Hà Lan để làm thức ăn cho con người và gia súc.
Giá trị dinh dưỡng mà sâu bột đem lại là rất lớn bao gồm đồng, natri, kali, sắt, kẽm và selen. So với thịt bò, sâu bột cung cấp hàm lượng protein tương đương nhưng nhiều hơn về hàm lượng các chất béo không bão hòa.
Và những khuyến cáo Một số lương y khuyến cáo người dân về “trào lưu ăn sâu bọ”: Nếu không biết cách chế biến hoặc ngâm rượu uống thì sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ như loài bọ cạp có nọc độc, bọ xít, ong vò vẽ… Bởi nếu không biết cách loại bỏ độc tố thì dễ rước họa vào thân, không khéo còn thiệt mạng. TS Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong một giới hạn nhất định, việc ăn côn trùng, nhất là những loài gây hại cho đồng ruộng như cào cào, châu chấu… sẽ không phá vỡ cân bằng sinh thái, thậm chí còn đẩy lùi được các loại dịch hại nguy hiểm. Nhưng điều đáng lưu ý là khi bắt côn trùng để chế biến thành thực phẩm thì không được dùng thuốc hoặc các loại hóa chất độc hại, đặc biệt đối với những loài thiên địch có lợi cho đồng ruộng, các loài côn trùng quý hiếm vừa dùng làm thực phẩm vừa dùng làm thuốc. TS Ngô Vĩnh Viễn khẳng định: “Dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng không phải loại côn trùng nào cũng ăn được, nên cần phải dùng những loại côn trùng theo khuyến cáo của các chuyên gia. Nếu dùng côn trùng làm thực phẩm, thì nên khai thác trong tự nhiên là chính. Đối với côn trùng nuôi thì cần kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi, tránh để các loài có hại thoát ra ngoài môi trường, đặc biệt cần có sự kiểm tra về chất lượng các loài côn trùng này trước khi làm thực phẩm. Bởi trong cơ thể nhiều loại côn trùng, bị nhiễm loại nấm độc hay vi khuẩn ký sinh nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc, dị ứng nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến tình trạng thần kinh bị kích thích, nói năng lảm nhảm và nghiêm trọng hơn nữa còn phải chịu di chứng của tình trạng này. |
An Nhiên (Tổng hợp)