Làm sao để dạy con làm quen với 'thắng – thua'

Nhận thức của trẻ khác với người lớn, nhiều khi các bé vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với chuyện thua cuộc, và cảm giác thất vọng, ấm ức là điều dễ hiểu. Do đó cha mẹ nên tạo cho con sự hiểu biết và học hỏi qua những sự việc xảy ra để trở nên tự tin, lạc quan hơn trong cuộc sống.

15.5855
  • 1

    Thông qua thi đấu thể thao

    Thể thao đúng là một hoạt động vui, nhưng đôi lúc trẻ nhỏ chỉ mong muốn có chiến thắng mà thôi. Chúng ta cần giải thích cho bé hiểu rằng điều quan trọng trong thi đấu thể thao ngoài việc mang lại sức khỏe, sự dẻo dai của cơ thể còn nhằm tạo mối quan hệ, sự đoàn kết giữa bé và các bạn. Việc bé có bị thua bạn bè một vài lần thực ra cũng rất có lợi vì như vậy bé sẽ cố gắng tập luyện hơn, tập trung hơn để lần sau sẽ thi đấu tốt hơn. Điều quan trọng nhất vẫn là tình bạn, sự chia sẻ, tinh thần đồng đội chứ không phải chuyện ai thắng ai thua.

  • 2

    Thông qua việc học tập

    Cha mẹ hãy luôn cởi mở tấm lòng để nghe trẻ tâm sự mọi vấn đề ở trường, ở lớp, với thày, với bạn. Mỗi khi bé bị điểm xấu hãy nói chuyện với bé, phân tích cho bé hiểu điều đó không có nghĩa bé là đứa trẻ không ngoan, không học giỏi mà con người ta đôi khi (thậm chí thường xuyên) mắc phải sai lầm. Điều quan trọng là bé nhận ra mình sai ở đâu để sửa chữa, ôn tập lại.

    Bé không nên buồn mãi và tự trách cứ bản thân vì điểm xấu đó. Bạn hãy giúp bé hiểu rằng sự thất vọng làm con người ta đau khổ, đừng giữ nó trong đầu mà hãy hãy xả nó đi. Như thế coi như bé nhà bạn đã được học cách gạt đi nỗi đau buồn của bản thân, chấp nhận để sửa chữa những điều sai sót để cho lần sau được tốt hơn. Hãy khẳng định với bé: “Điểm số không phải thước đo duy nhất học lực con ạ. Đối với bố mẹ sự cố gắng và nỗ lực của con mới là điều quan trọng nhất.”

  • 3

    Thông qua những trò chơi

    Các trò chơi luôn là hoạt động ưa thích của trẻ con. Chính trò chơi cũng là vấn đề đau đầu với cha mẹ vì họ thường phải làm trọng tài xử lý việc tranh dành đồ chơi, cãi lộn, cấu xé giữa các đứa trẻ với nhau.

    Mỗi khi như vậy bạn không nên chỉ gào thét và xử cho một bên thắng, một bên thua mà hãy giúp các bé “hạ hỏa” bằng cách bảo chúng soi gương xem khuôn mặt lúc chúng đánh cãi nhau nom co đẹp không? Hay là nhăn nhúm và xấu xí? Sau đó bạn hãy giải thích cho bé hiểu có đồ chơi mà anh (chị) hay bạn mình không vui, phiền lòng thì bé cũng sẽ không được vui, hãy biết chia sẻ, cùng nhau chơi, cùng khám phá đồ chơi và cùng vui. Nụ cười, tình yêu thương sẽ làm con người vui, hạnh phúc và đương nhiên là khi ấy gương mặt cũng sẽ rạng rỡ, xinh đẹp và tươi tắn hơn.

    Việc hy sinh đồ chơi, chia sẻ đồ chơi và bánh trái cho bạn, hay việc đóng gói quần áo không mặc nữa cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn cũng là một cách dạy cho con biết chia sẻ, cảm thông với người khác.

  • 4

    Thông qua việc ăn uống

    Nhiều khi trẻ đòi mua kẹo bánh, bim bim không hẳn là do trẻ thích ăn những món đó mà đơn giản là vì bạn ở lớp có mà bé không có. Ngoài việc ăn quà vặt rất có hại cho sức khỏe của bé, gây chán ăn cơm, gây béo phì, làm sâu răng thì tính “hiếu thắng” bạn có gì mình cũng không được thua kém này của trẻ cũng cần được cha mẹ lưu tâm và ngăn chặn sớm. Bởi trong cuộc đời bé sẽ gặp vô số người khác có hoàn cảnh kinh tế tốt hơn của gia đình bé, họ sẽ có nhiều thứ mà bé không có hoặc không bao giờ có được, vậy nếu bé không biết bằng lòng với bản thân, bằng lòng với những gì mình có thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, bản thân bé không bao giờ cảm thấy hạnh phúc mà luôn phải giằn vặt vì mình thua kém ai đó.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]