Làng nghề vàng bạc Châu Khê
Xưa kia nghề vàng bạc ở đây chỉ là nghề phụ (Cấy lúa là nghề chính). Song dù có luôn biến động theo thời cuộc thì người thợ kim hoàn từ đời này qua đời khác vẫn bám giữ lấy nghề để sinh sống, chỉ sau khi có công cuộc đổi mới mở cửa của Đảng, nghề thủ công vàng bạc Châu Khê mới có cơ hội phục hồi, từ lúc chỉ còn mươi bác thợ già, nhờ chính sách cởi mở, sự đông viên của lãnh đạo các cấp, nghề được truyền dạy nhanh chóng cho lớp trẻ, đến nay làng đã có 99% hộ gia đình làm nghề với hàng nghìn tay thợ kim hoàn đều được đào tạo nâng cao, tiếp cận khoa học công nghệ mới, trong đó 2/3 đạt thợ giỏi, nhờ đó làng nghề đã hình thành được 3 chi hội kim hoàn (chi hội Châu Khê Hải Dương, chi hội Phúc Tân Hà Nội và Hải Phòng) cùng HTX kim hoàn cơ sở, đã có trên 100 hộ gia đình vươn ra các thành phố cả nước để mở xưởng chế tác, cửa hiệu vàng bạc, công ty…lực lượng được tổ chức theo mô hình: "Gia đình là xưởng, tự chủ sản xuất tiêu thụ” có sự hỗ trợ của HTX và chi hội.
Một xưởng chế tác vàng bạc tại làng nghề Châu Khê
Sau hơn 20 năm đúc kết đã thấy đây là mô hình phù hợp với nghề thủ công vàng bạc nông thôn, nó giúp duy trì, khuyến khích, đẩy mạnh được sản xuất chế tác sản phẩm, dễ làm cho các hộ, tiết kiệm và có điều kiện sáng tác nhiều mẫu mã kiểu dáng bền đẹp. Sản phẩm vàng bạc của Châu Khê đã có mặt ở khắp cả nước và được xuất khẩu ra thị trường thế giới, thương hiệu vàng bạc Châu Khê ngày càng được khẳng định và có tín nhiệm.
Nhờ có nghề, lại biết kết hợp Lúa – Nghề đã giúp diện mạo Làng, Xã đổi thay: Xã đã hoàn thành 4 chương trình: Điện – Đường – Trường – Trạm, riêng trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia năm 2011, GDP của xã thu nhập từ nghề chiếm 2/3, bình quân đạt 20 triệu đồng/ năm, xã có 2 làng nghề được công nhận làng nghề thủ công, 2 làng đạt làng văn hóa, 3 làng được công nhận di tích quốc gia, riêng làng Châu Khê có 19 nghệ nhân được nhà nước phong tặng nghệ nhân quốc gia, làng nghề là điểm du lịch cho nhiều du khách trong và ngoài nước. Lễ hội xuân và Giỗ tổ nghề vàng bạc Châu Khê ngày 19 tháng giêng (âm lịch) hàng năm là ngày hội của người dân Châu Khê, là dịp để mỗi người Châu Khê hướng về cội nguồn và biết ơn tổ nghề, đồng thời cũng là dịp để giao lưu thu hút bạn hàng để nghề vàng bạc ngày càng phát triển.
Châu Khê thật là một vùng quê văn hiến, địa linh nhân kiệt, một điểm sáng của xã Thúc Kháng trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới. Thế mới hay:
“Đất nước thịnh cường bởi có nghề
Cũng từ chăm chỉ, khéo, say mê
Tài hoa, sáng tạo tinh bền bỉ
Cuộc sống bình yên rực sắc quê.”(MT)
langnghe.org