Nghệ thuật sắp đặt của ông Del Bosque

(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ thuật của chiến thắng không chỉ là sử dụng nhân sự hợp lý mà còn biết đặt các cầu thủ vào đúng vị trí, đúng thời điểm. Chiến thuật chỉ là cái cớ để tận dụng hết tiềm năng của mỗi cá nhân

0

Đó là lý do vì sao Pep Guardiola không ngừng sáng tạo những điều mới mẻ cho bóng đá, hoặc là cho chính các tài năng mà ông có trong tay, để tạo ra một giá trị mà hệ thống chiến thuật tương thích cho tất cả cầu thủ luôn là việc yêu thích với Pep Guardiola. Và những người hiểu chuyện đều không thể phủ nhận, mỗi một sự thay đổi của ông ở câu lạc bộ đều tác động tích cực lên những đội tuyển quốc gia như Đức hay Tây Ban Nha.

Nhiều HLV phải ghen tị với ông Del Bosque vì những tiền vệ thông minh mà Tây Ban Nha sở hữu ở thời điểm này. Càng hay hơn là họ không giống nhau về cách suy nghĩ và kĩ năng bẩm sinh, nhưng kết hợp tất cả những cá nhân này lại với nhau mà không bỏ phí một ai lại đặt HLV 64 tuổi này vào một nan đề, nhưng cái hay của ông là không bị lệ thuộc vào những cái tên đó, mà rất chú trọng đến tính hợp lý của thời điểm.

World Cup 2010, nhiều người đã chỉ trích sự thận trọng của "Ngài râu kẽm", khi xếp Busquets và Xabi Alonso đá cạnh nhau ở giải đấu này. Chức vô địch ở Nam Phi đã chứng minh điều đó là đúng, sau khi nhận lại đội bóng từ tay cố HLV Aragones, ông không còn tiền vệ gốc Brazil Marcos Senna trong đội hình, nhưng bù lại có một Xabi Alonso cực hay ở những pha phát động tấn công từ tuyến hai, cũng như sự kết hợp hoàn hảo với bộ đôi Xavi – Iniesta của Busquets. Hai tiền vệ này tiến lui trong thế trận phòng ngự của Tây Ban Nha rất nhịp nhàng mà không bị giẫm chân nhau.

Tại EURO 2012, Cesc Fabregas lại mang tới giải pháp hoàn hảo cho HLV này ở hàng công với vai trò số 9 ảo, phát minh có tính bắt buộc mà Pep Guardiola sử dụng ở Barcelona, khi muốn tận dụng hết giá trị của tiền vệ 27 tuổi này. Các tiền đạo của Tây Ban Nha thời điểm đấy như Torres hay David Villa đều mất phong độ, và Fabregas đúng là món quà giúp đội bóng của ông Del Bosque linh hoạt và khó lường hơn so với hai năm trước. Anh không chỉ giúp La Roja kiểm soát bóng, ghi bàn, mà còn hạn chế điểm yếu ở hàng công và sự vắng mặt của Carles Puyol ở hàng phòng ngự.

Cũng giống như Pep Guardiola, ông Del Bosque không lệ thuộc vào sơ đồ chiến thuật, mà chỉ tùy biến theo những cầu thủ và phong độ của họ. Dù là 4-3-3 hay 4-4-2 hoặc 4-1-4-1 thì sự di chuyển và các tiền vệ vẫn là trung tâm lối chơi của nhà đương kim vô địch châu Âu. Ông giảm bớt vai trò luân chuẩn bóng của Busquets, gắn anh cố định ở vị trí mỏ neo để chuyên phòng ngự hơn so với trước đây. Nhưng đòi hỏi những tiền vệ và cả những người đóng vai tiền đạo cánh như Fabregas, Silva, Mata hay Pedro di chuyển rất nhiều trên sân.

Trước tiên là để khỏa lấp vai trò tổ chức trận đấu mà Xavi đã bỏ trống, sau nữa là tạo ra sự khác biệt trong cách lên bóng, không một ai cố định là người phát động tấn công, nhưng ai cũng là người có thể tung ra đường chuyền quyết định cuối cùng. HLV Del Bosque mới chỉ sử dụng một phần sự đa dạng ở hàng tiền vệ để giúp Tây Ban Nha giành tấm vé tới nước Pháp. Nhưng ông còn vô số những quân bài trong tay áo đủ để làm các đối thủ bất ngờ.

Cái hay ở đây là ông khiến cho các cầu thủ đều có cảm giác như nhau, họ bước ra sân thi đấu mà không ai đóng vai chính, cũng không ai là vai phụ. Đó hoặc là một tập thể rất khó bị đánh bại hoặc là đội bóng thiếu sự đột phá như cách đây vài năm.

Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]