Nhiều thương hiệu có đồng nghĩa với thành công?

15.4441

Năm 2012, Volkswagen gần như đã đuổi kịp General Motors để trở thành hãng xe hơi lớn thứ 2 toàn cầu về quy mô doanh số, còn Chrysler đang có tham vọng trở thành ông trùm trong phân khúc xe tải tại thị trường Mỹ, điều gì đã khiến cho 2 nhà sản xuất này thành công đến vậy?

Volkswagen, Chrysler và chiến lược đúng đắn

Để phục vụ cho mục đích trở thành hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, Volkswagen Group đã nắm giữ trong tay một bộ sưu tập khổng lồ các thương hiệu con, điều đó giúp cho con đường đi đến thành công của họ trở nên dễ dàng hơn.

Tương tự như vậy, Chrysler Group cũng đi theo xu hướng phát triển, sở hữu thêm các nhãn hiệu xe mới khá có tiếng vang, có thể kể đến Ram, Fiat, SRT và đặc biệt là Alfa Romeo… đi kèm với đó là hệ thống đại lý phân phối sản phẩm khá chuyên nghiệp, bài bản cho từng nhánh.

Chrysler đang muốn mở rộng danh mục sản phẩm

Chiến lược của 2 nhà sản xuất này ngược lại hoàn toàn so với hầu hết các nhà sản xuất ôtô khác. Xu hướng của số đông, ví dụ như Hyundai và Toyota là loại bỏ đi các thương hiệu đã suy yếu và ít nổi bật để tập trung vào những gì là thế mạnh của họ. Tuy nhiên, cách làm không giống ai này của VW và Chrysler đã giúp họ tăng đáng kể doanh số bán hàng lớn nhất tại thị trường Mỹ năm vừa qua, cụ thể VW tăng 30% và Chrysler là 21%. Đặc biệt hơn, Volkswagen gần như đã đuổi kịp General Motors để trở thành hãng xe hơi lớn thứ 2 toàn cầu về quy mô doanh số. Trong khi đó Chrysler đã có 34 tháng liên tiếp tăng doanh số bán hàng trên “sân nhà”.

Ông Steven Wolf, giám đốc đại lý chính của 4 thương hiệu Dodge-Chrysler-Jeep-Ram tại Houston cho biết Chrysler luôn tập trung phát triển và ngày càng cho ra đời những thương hiệu con ấn tượng mạnh mẽ hơn, điều này đem lại kết quả kinh doanh mỹ mãn cho các đại lý, ít nhất là tại Bắc Mỹ. Theo kế hoạch đến cuối năm 2013, Chrysler sẽ sở hữu 7 thương hiệu con và được dự đoán trở thành “ông trùm” trong phân khúc xe tải với thương hiệu Ram, đây là minh chứng tốt nhất cho chiến lược hợp lý của họ. Để có được thành công này Chrysler đã đầu tư rất nhiều vào Ram và đây là ưu tiên hàng đầu của hãng vào lúc này.

Đối nghịch với Chrysler, GM những năm đầu thế kỉ 21 sở hữu 9 thương hiệu con và bây giờ chỉ còn lại 4 trong số đó. Còn Ford Motor cũng giảm từ 7 thương hiệu xuống còn 2. Chính xác hơn, 4 trong số 5 thương hiệu bị khai tử đó hiện thuộc sở hữu của các ông chủ mới.

Thực tế đã chứng minh hướng đi của VW và Chrysler là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với một thị trường khó tính như nước Mỹ.

Nắm giữ nhiều thương hiệu hơn nữa

Ông Marchionne, giám đốc điều hành Fiat và Chrysler trong buổi phỏng vấn bên lề triển lãm ôtô Detroit vừa diễn ra hồi đầu năm tự hào tuyên bố thương hiệu Alfa Romeo sẽ được hồi sinh trở lại sau khi từng bị hất ra khỏi thị trường vào năm 1995. Sự trở lại này giúp cho Chrysler và Fiat nắm trong tay 9 nhãn hiệu xe hơi tại thị trường Mỹ. Ông chủ Chrysler cũng khẳng định “tiểu đại gia Big 3” này không có ý định giảm số lượng thương hiệu con trong chiến lược dài hạn của mình.

Ở bên kia Đại Tây Dương, VW cũng đang xem xét khai sinh thêm một thương hiệu giá rẻ nhằm vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc. Chủ tịch VW Ferdinand Piech chia sẻ trong nửa đầu năm nay (2013) ông muốn cho ra đời thương hiệu thứ 13, trong khi VW vẫn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ đối với 12 thương hiệu con hiện tại. Năm ngoái, VW lập doanh số tiêu thụ kỷ lục 9,07 triệu xe, còn GM – đại gia số 1 nước Mỹ hụt hơi bán được 9,28 triệu xe.

Sở hữu nhiều thương hiệu có thể giúp Volkswagen hiện thực hoá giấc mơ ngôi vị số 1 vào năm 2018

Piech cũng đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến việc mua thương hiệu Alfa Romeo từ Fiat, nhưng Marchionne khẳng định ông sẽ không bán nó, và nếu xảy ra giao dịch thì sẽ là Fiat mua VW – một lời nói đùa từ vị CEO nổi tiếng này.

Thêm thương hiệu sẽ giúp cho việc sản xuất tăng trưởng nhanh chóng, ta có thể thấy rõ điều đó từ VW, tuy nhiên cũng không thể quên những kinh nghiệm đau đớn của GM và Ford khi phình to một cách bất hợp lý. Nguy cơ của Chrysler và VW chính là việc quản lý một khối tổ chức - sản xuất - tài chính đồ sộ, bên cạnh thách thức lớn về mạng lưới đại lý.

Ít thương hiệu, ít sự chia sẻ

GM và Ford nói rằng họ cắt giảm số lượng thương hiệu để tập trung tốt hơn vào các lĩnh vực kinh doanh chính, điều này giúp họ căt giảm chi phí nhưng cũng đem lại ít thị phần hơn.

Ford đã bán Volvo, Jaguar, Land Rover và Aston Martin, sau đó đóng cửa Mercury và chỉ giữ lại logo màu xanh hình bầu dục và thương hiệu Lincoln, họ làm điều này để tập trung vào phân khúc xe sang. Trong năm 2012, 2 thương hiệu của Ford chiếm 15,5% thị trường toàn cầu, trong khi đó vào thời điểm năm 2007 khi Ford nắm trong tay 7 thương hiệu họ nắm giữ 15,8% thị phần. Volvo, Land Rover, Jaguar và Aston Martin, các cựu thành viên của Ford cũng tham gia 1% thị phần toàn cầu trong vào năm ngoái.

Trong khi đó, GM khai tử Hummer, Pontiac và Saturn vào năm 2010 và bán Saab cho một nhà sản xuất ôtô tại Hà Lan là Spyker nhưng sau đó nó cũng đóng cửa. Điều đó khiến cho thị phần của GM sụt giảm nghiêm trọng, xuống còn 17,9% thị phần vào năm 2012, trong khi con số này năm 2007 là 23,7%.

Chrysler cũng mất một chút thị phần, giảm từ 12,9% trong 2007 xuống còn 11,4% vào năm ngoái, nhưng doanh số bán hàng của hãng lại tăng cực mạnh trong giai đoạn các đối thủ lao đao vì suy thoái kinh tế. Ở bên kia Đại Tây Dương, VW tăng hơn gấp đôi thị phần từ 2% lên đến 4.2%.

Tóm lại thực tế tính đến hiện tại thì đường lối mà VW và Chrysler đang thực hiện giúp họ đạt được thành công và vượt qua mặt nhiều ông lớn khác để khẳng định mình trên thị trường Mỹ. Và ai cũng có thể nhận thấy không hẳn việc nắm giữ nhiều thương hiệu sẽ khiến nhà sản xuất gặp khó khăn, ít nhất là đối với Volkswagen, Chrysler. Họ đã trở nên lớn mạnh hơn rất nhiều nhờ sở hữu nhiều thương hiệu.

Phan Liên (TTTĐ)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]