Những ngộ nhận về bệnh tim bẩm sinh

14.1682

Ước tính hàng năm nước ta có 9.000 – 10.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh (TBS). Dù tỷ lệ tử vong của các trẻ này tại một số bệnh viện nhi đồng hàng đầu đã giảm đáng kể (tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, tỷ lệ này là hơn 10%/năm trước năm 2007; còn 1,2 – 1,5%/năm trong năm qua), nhưng TBS vẫn là bệnh gây lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh. PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, chủ nhiệm bộ môn nhi đại học Y dược, trưởng khoa tim mạch bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, đã giải toả một số nỗi lo thường gặp này.

Con tôi mắc bệnh TBS, nó sẽ không thể sống đến tuổi trưởng thành

Sai/Đúng: Với những trường hợp bệnh TBS nhẹ, loại bệnh không phức tạp, nếu được điều trị thích hợp trẻ vẫn có thể sống như người bình thường. Còn một số dạng bệnh phức tạp không điều trị được, thầy thuốc không thể tiên liệu được sự sống của trẻ. Cần biết rằng ngay cả ở những nước tiên tiến, dù có đầy đủ chuyên môn và trang thiết bị, nhưng y học cũng phải chào thua với những dạng bệnh TBS đặc biệt, chẳng hạn bệnh không có lỗ van động mạch phổi nhóm 4.

Trẻ mắc bệnh TBS không phải là trẻ bình thường

Đúng/Sai: Trẻ mắc bệnh tim đúng là bất thường, nhưng ở một khía cạnh nào đó, cộng đồng nên xem lại vì có trường hợp mắc bệnh TBS đơn thuần, nhưng trí tuệ trẻ vẫn phát triển bình thường. Ngay cả trường hợp thể chất các trẻ này bất thường, nếu người nuôi dưỡng trẻ có kiến thức đầy đủ về dinh dưỡng, sinh hoạt của trẻ mắc bệnh TBS, trẻ vẫn được nuôi dưỡng tốt và phát triển như mọi trẻ bình thường. Chưa kể trong một số trường hợp bệnh TBS không có biến chứng suy tim, tăng áp động mạch phổi trẻ vẫn chơi thể thao được như các trẻ khác. Như thế, mỗi trẻ mắc bệnh TBS cần được bác sĩ tim mạch xem xét về trí tuệ và thể chất. Nếu các khía cạnh này bình thường, trẻ nên được xem là bình thường.

Trẻ bệnh TBS không thể chích ngừa

Sai: Ở nước ta chích ngừa cho trẻ mắc bệnh TBS là vấn đề nhạy cảm và các trẻ này thường bị các cơ sở y tế từ chối chích ngừa. Đây là điều không đúng vì trên thế giới người ta khuyến cáo càng phải chích ngừa cho các trẻ này vì chúng rất dễ gặp những vấn đề về hô hấp, tim mạch, và nếu không được chích ngừa, chúng càng dễ mắc bệnh.

Tôi hiểu tại sao các cơ sở y tế nước ta từ chối chích ngừa cho trẻ bệnh TBS vì theo hướng dẫn trong phiếu tầm soát của sở y tế, trước khi chích nếu bác sĩ nghe tim trẻ thấy có bất thường thì phải từ chối. Nhưng theo tôi, cần điều chỉnh chỗ này một chút: trường hợp có bệnh tim trẻ cần được bác sĩ tim mạch khám. Nếu bác sĩ thấy đây là bệnh nhẹ, bác sĩ có thể cho chích ở địa phương; nếu là bệnh nặng, bác sĩ khuyến cáo trẻ chích ở tuyến trung ương. Vừa qua tôi thấy nhiều trẻ bệnh TBS nhẹ, nhưng vì địa phương từ chối chích, chúng phải lặn lội từ Đà Nẵng, Huế vào TP.HCM chích một mũi rồi quay về, mất thời gian và tiền bạc rất nhiều.

Bệnh TBS là bệnh mà trẻ mắc ngay khi sinh ra, như thế là người bố, người mẹ, tôi thấy mình có lỗi vì đã gây ra chuyện này

Sai/Đúng: Có những bệnh TBS không do di truyền, mà do đột biến tự nhiên, bố và mẹ không ai có lỗi. Ngoài ra, còn có những bệnh TBS có nguyên nhân, nhưng đó là khách quan thí dụ mẹ mang thai mắc bệnh rubella hoặc uống một loại thuốc nào đó dẫn đến biến chứng trên tim con. Cũng không thế trách người mẹ, vì có thể cơ sở y tế đã không khuyến cáo phụ nữ chích ngừa rubella hoặc tránh dùng các loại thuốc đặc biệt khi mang thai. Cuối cùng có một tỷ lệ bệnh TBS rất thấp do di truyền từ cha, mẹ hoặc từ cả cha và mẹ. Nhưng ngay cả trường hợp này, nếu ngành y tế không tư vấn cho cha mẹ mang gen đặc biệt khả năng truyền bệnh cho con, cha mẹ cũng không có lỗi.

Trẻ tím tái, thở mệt là trẻ có bệnh TBS

Sai: Tím tái, thở mệt không phải là triệu chứng “độc quyền” của bệnh tim mạch mà còn là triệu chứng của bệnh hô hấp, tiêu hoá, nhiễm trùng. Trường hợp này phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để biết chính xác trẻ mắc bệnh gì.

Theo Châu Giang/Thegioitiepthi.net

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]