NSƯT Kim Tiến: Nhiều MC bây giờ quá nóng vội với sự nổi tiếng

(ĐSPL) - Nhắc đến Nghệ sỹ ưu tú Kim Tiến, người ta nghĩ ngay đến một giọng đọc trầm ấm và truyền cảm. Đã gần 70 tuổi, bà vẫn một mình trên xe máy, đi lồng tiếng, đi dạy ở các trung tâm đào tạo người dẫn chương trình hay còn gọi là MC truyền hình...

15.5986

Bà cho biết, công việc của bà phải cần mẫn và kiên trì như một chú ong, điều mà nhiều phát thanh viên, MC trẻ hiện nay không có. Bởi, họ quá nóng vội, muốn thành công ngay lập tức nên nhiều khi “vấp” phải những lỗi mà người trong nghề gọi là cẩu thả...

Phóng to

 NSƯT Kim Tiến.

Từng thất bại trong lần đầu thử giọng

Bà đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả khi là người đầu tiên thuyết minh tiếng Việt bộ phim Tây Du Ký hơn 20 năm trước, bà còn nhớ chứ?

Tôi nhớ. Năm 1986, sau khi bộ phim Tây Du Ký hoàn thành, Đại sứ quán Trung Quốc tặng Đài truyền hình Việt Nam một bản phim.

Ngày đó, Đài chưa có nhiều người dịch thành thạo tiếng Trung, nên phải nhờ người bên bộ Ngoại giao sang dịch hộ. Mới biên dịch được một vài tập, vì một số lý do, Đài đã phát sóng bộ phim nên ê-kíp của chúng tôi luôn phải làm việc trong tình trạng “căng như dây đàn”.

Cứ ngày hôm trước lồng tiếng xong một tập là hôm sau phát sóng ngay. Thế cho nên mới có chuyện ba tập phim đầu, lời dịch không hoàn chỉnh lắm, có bốn câu chỉ dịch hai. Khi thuyết minh, tôi phải cố gắng rất nhiều, sao cho không bị trống câu trong đối thoại giữa các nhân vật. Nhưng, cá nhân tôi rất thích bộ phim, vì diễn viên của họ quá giỏi.

Bản phim Tây Du Ký năm 1986, trong một vài tập cuối, người thuyết minh lại là Minh Trí. Nhiều khán giả vẫn băn khoăn chưa biết lý do sự thay đổi này?

Đây là câu hỏi mà nhiều người từng hỏi tôi. Thực ra, sự thay đổi này liên quan đến vấn đề biên tập phim. Người biên tập muốn tạo ra sự thay đổi nho nhỏ nào đó cho bộ phim bằng chất giọng nam.

Vào khoảng bảy năm sau, Đài truyền hình Việt Nam phát lại Tây Du Ký, trung tâm Bản quyền của Đài đã yêu cầu tôi thuyết minh lại mấy tập cuối - trước kia do anh Minh Trí đọc, để có một sự nhất quán. Quả thật, sau bảy năm thuyết minh lại bộ phim, chất giọng của tôi trầm hơn một chút, cộng thêm cảm hứng từ trước, tôi đã hoàn thành rất tốt vai trò của mình.

Thời gian để bà hoàn thành công việc thuyết minh cho bộ phim là bao lâu?

Cái này tuỳ thuộc phản xạ của mỗi người thuyết minh. May mắn, tôi rèn cho mình được khả năng “cắt, cúp” lời nói nhân vật nhanh ngay trong đầu mà không cần vạch ra giấy.

Do vậy, nếu lời dịch chuẩn, thì một tập phim 45 phút, tôi chỉ đọc năm phút là xong. Nghề phát thanh viên cũng là một nghề thú vị khi được “gặp” giọng nói của mình ở nhiều nhân vật trên phim.

Được mệnh danh là "giọng đọc vàng" nhưng nghe nói, bà từng tâm sự rằng, thất bại trong lần đầu thử giọng để làm phát thanh viên?

Năm 1970 của thế kỷ trước, một người quen, giới thiệu tôi tham gia thi tuyển làm phát thanh viên cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi thử giọng xong, không thấy bên đài trả lời, tôi đoán chắc là trượt. Cùng thử giọng với tôi lúc đó là một diễn viên kịch nên tôi nghĩ rằng mình khó có thể trúng vì diễn viên kịch chắc chắn phải có giọng tốt hơn diễn viên múa.

Bà nhận xét thế nào về MC truyền hình hiện nay?

Thời kỳ chúng tôi, phát thanh viên, người dẫn chương trình thường khá cứng nhắc. Hồi đó, chúng tôi phải ngồi thẳng, không được ngồi nghiêng, đọc đúng văn bản - kể cả văn bản bị sai. Những năm 1990 của thế kỷ trước, Trần Bình Minh với chương trình VKT đã làm thành một cuộc cách mạng trong “nghiệp vụ nói” của người dẫn chương trình.

Phát thanh viên được tự do thực hiện theo ý của mình, chủ động và sáng tạo hơn. Đây là một cách dẫn rất hay và được công chúng yêu thích. Cũng nhờ đó, những suy nghĩ cứng nhắc của ban lãnh đạo Đài cũng phải thay đổi.

Điểm yếu nhất mà tôi nhận thấy ở một số biên tập viên, phát thanh viên và người dẫn chương trình truyền hình hiện nay là đọc sai ngữ điệu của tiếng Việt chuẩn. Họ đọc véo von lên xuống đều đặn theo cách tự tạo mà không cần để ý đến sắc thái, ý nghĩa của câu văn.

Điều này không những gây phản cảm và còn tạo thói quen nguy hiểm cho thế hệ sau. Nhiều MC trẻ hiện nay khá nóng vội, họ không kiên trì với nghề.

Phóng to

NSƯT Kim Tiến cùng diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng trong phim “Tây Du Ký” trong một lần gặp gỡ.

Vẫn cộng tác với VTV

Nghỉ hưu nhưng NSƯT vẫn miệt mài ở các lớp đào tạo phát thanh viên, bà đã dạy cho học trò của mình những kỹ năng gì?

Công việc của tôi hiện nay cần một sự miệt mài, vì nhiều học viên đi học thì có nhiều lỗi. Học viên thì nói nhỏ; có người phát âm không rõ dấu, rõ từ; có người âm vực rộng, có người âm vực hẹp; có người giọng lên cao thì thé, xuống thì xịt...

Nhiệm vụ của tôi là chỉnh sửa và giúp họ nói tốt hơn. Nhiệm vụ của phát thanh viên là phải nói rõ tiếng, âm lượng phát ra phải bằng nhau, không bị chữ lép, chữ mẩy, phải biết cách ngắt ý sao cho mạch lạc dễ hiểu. Nếu, phát thanh viên nói mà khán giả không nghe được thì quá lãng phí, như đổ tiền xuống biển vậy.

NSƯT Kim Tiến không chỉ được biết đến với vai trò dẫn, đọc các chương trình thời sự, phim tài liệu mà cũng rất nổi tiếng với vai trò thuyết minh phim truyện với sắc thái riêng, việc đó, chắc không đơn giản?

Phim truyện luôn chia thành các dòng khác nhau: Bi hùng, dã sử, tình cảm, rồi chia theo sắc thái các khu vực (như châu á, châu Mỹ La-tinh, châu âu), hoặc ngay như phim Pháp khác tốc độ phim Mỹ. Tôi luôn phấn đấu để thuyết minh được tất cả các dòng phim, chỉ có phim cho trẻ em là không đọc được, vì không hợp giọng.

Đọc cho trẻ em phải giọng nữ cao, nhí nhảnh mới trẻ trung. Để thành công khi thuyết minh phim truyện không đơn giản, không phải cứ đọc lời dịch là xong, mà một phần là năng khiếu. Có năng khiếu, người đọc sẽ rất nhạy cảm với tiếng nói các vùng miền. Lối nói của phim Tây ngắn gọn, súc tích không rườm rà như Châu Á.

Tóm lại, người đọc phim không phải là máy, phải thể hiện sắc thái, người đọc tốt là nâng tác phẩm lên. Nếu không có giọng đa dạng để đọc được tất cả các dòng phim thì ít nhất cũng phải tạo sắc thái riêng. Đọc phim Trung Quốc không thể mang giọng Tây được.

Nhiều khán giả thắc mắc rằng, NSƯT Kim Tiến đã nghỉ hưu lâu rồi nhưng khi xem truyền hình, họ vẫn nhận ra giọng đọc. Có phải bà vẫn cộng tác ở VTV?

Tôi đã nghỉ hưu được hơn mười năm. Tuy nhiên, từ khi chính thức cầm sổ hưu đến nay, tôi vẫn chưa khi nào thôi làm công việc mình yêu thích.

Tôi vẫn cộng tác ở VTV, khán giả không gặp tôi trên màn ảnh nhỏ nhưng nhiều người nhận ra tôi vẫn miệt mài với công việc qua giọng đọc lời bình phim tài liệu, phóng sự và đặc biệt là qua thuyết minh phim.

Công việc đem lại cho bà niềm vui, còn cuộc sống riêng thì sao?

Tôi rất hài lòng. Tôi luôn nghĩ theo tư tưởng nhà Phật là hãy tự bằng lòng với chính mình, chứ còn cuộc đời mỗi con người chẳng ai hoàn hảo, hoàn mỹ và đạt được tất cả những mong muốn. Tôi luôn thấy, tôi được như thế này là tốt lắm rồi, chẳng mong gì hơn.

Tôi may mắn là hơn chục năm nay gắn với ông xã hiện tại thì cuộc sống dễ chịu. Chồng tôi là tiến sỹ Hoá học, lại làm kinh doanh nên cuộc sống vật chất tôi không phải lo lắng gì. Nhưng giả sử, nếu tôi không gặp anh ấy, sống bình thường thôi, kinh tế kém đi, tôi vẫn thấy hài lòng, vì chẳng có gì sung sướng bằng cứ hài lòng với mình.                                 

Nhiều người đến với nghề để được nổi tiếng

Theo bà, tìm một MC giỏi bây giờ có khó khăn?

Thực ra là rất khó tìm vì tôi cũng đã đi tuyển MC cho nhiều nơi và thấy rất rõ điều đó. Tình yêu với nghề MC ai cũng có, nhưng cái quan trọng nhất là kiến thức, vốn sống thì họ lại thiếu.

Khi đi tuyển MC cho một số Đài, tôi ngạc nhiên khi thấy có người học ở Học viện Báo chí ra mà hỏi có sự kiện nào nổi bật nhất trong đất nước thời gian này thì không biết.

Tôi thấy người ta đến với nghề này vì được trả lương hậu, thích nổi tiếng... Số người thực sự “mê nghề” không nhiều. Đó chính là lý do vì sao mọi người đều có nhận xét là lớp MC trẻ hiện nay cứ nhàn nhạt.

Họ bắt chước nên giống nhau quá. Một Đài có 10 phát thanh viên, 10 người dẫn nhưng chỉ một phong cách thì nghĩa là chỉ có một MC, khán giả ai buồn xem?

LẠC THÀNH
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]