Học trò trường Khai Trí tham gia văn nghệ cho buổi lễ khai giảng (Ảnh: Quang Liêm)
Nằm trên diện tích 1 ha, trường Khai Trí được trang bị khá tốt với hồ bơi, khu tập thể thao, nhà nghỉ và lớp học do các nhà hảo tâm và phụ huynh cùng đóng góp với mục tiêu giúp các trẻ tự kỷ, thiểu năng tâm thần có cơ hội được học tập, sinh hoạt để hòa nhập vào cộng đồng. Đây là cơ sở mở rộng trên nền tảng của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí - Bình Thạnh, do bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm thành lập.

Thầy trò trường Khai Trí tham dự lễ khai giảng (Ảnh: Quang Liêm)
Phát biểu trong lễ khai giảng, Thạc sĩ Võ Thị Thùy, giám đốc Trung tâm, người có nhiều năm gắn bó với cả hai lĩnh vực trẻ tự kỷ và trẻ chậm phát triển nói: “Trẻ tự kỷ có sự phát triển bình thường về tuổi não, nhưng bị một số khiếm khuyết nhất định, chứ không phải là trẻ chậm phát triển. Ở Hàn Quốc người ta định nghĩa trẻ tự kỷ là trẻ khuyết tật về giao tiếp thôi. Khi khắc phục được vấn đề giao tiếp, đặc biệt là về ngôn ngữ thì các cháu phát triển rất nhanh. Thậm chí nhiều trẻ học giỏi hơn cả trẻ bình thường, được xem như thần đồng”.

Học trò trường Khai Trí tham gia văn nghệ cho buổi lễ khai giảng (Ảnh: Quang Liêm)

Tại nước ta, tỉ lệ trẻ tự kỷ được đến trường không nhiều, chủ yếu các bé đến các trung tâm, các lớp học ghép với các trẻ khuyết tật khác (như học chung với trẻ khiếm thính), thậm chí một số nơi các lớp này thuộc ngành y tế quản lý chứ không phải ngành giáo dục. Sự ra đời của Trường Khai Trí như sự đột phá vào bệnh tự kỷ với cách nhìn sâu hơn về căn bệnh này. Hiện tại cơ sở mới đang đón nhận và giáo dục 30 em từ 3 đến 18 tuổi học nội trú. 

Quang Liêm