Thơm ngon bánh lá thốt nốt

Từ trái thốt nốt có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như cơm thốt nốt, nước thốt nốt tươi giải khát, đường thốt nốt, chè đậu xanh thốt nốt, bánh bò thốt nốt và hấp dẫn phải kể đến món bánh lá thốt nốt.

0

Thốt nốt là loại cây đặc trưng của người dân Nam bộ, nhất là của đồng bào Khơ Me ở An Giang. Vụ mùa thốt nốt thường kéo dài 4 tháng, từ tháng giêng tới tháng tư âm lịch. Người dân nơi đây lại nô nức thu hoạch trái thốt nốt và làm bánh lá thốt nốt để quảng bá hình ảnh của quê hương mình.

Nguyên liệu chính để làm món bánh thốt nốt đơn giản và rất dễ kiếm là: bột gạo, đường thốt nốt, nước cốt dừa, bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn lấy cơm và lược lấy nước pha chung vào bột gạo cho có mùi thơm đặc trưng.

Gạo phải chọn loại gạo ngon (thường thì làm gạo cũ sẽ ngon hơn gạo mới), đem ngâm nước lạnh khoảng 2 tiếng, xay thành bột rồi ủ bột qua đêm. Sau đó trộn lẫn các nguyên liệu gồm bột gạo, đường cát, một ít muối tạo vị đậm đà cho bánh, nước cốt dừa tạo vị béo, ngọt, bột vỏ trái thốt nốt.

Hấp dẫn món bánh thốt nốt

Nấu hỗn hợp bôt này trên ngọn lửa nhỏ và dùng đũa khuấy đều. Khi bột hơi sền sệt thì nhấc xuống. Dùng thìa múc từng muỗng bột cho vào lá chuối, dàn thành hình chữ nhật, sau đó mới cho dừa nạo lên trên và gói lá lại cho kín. Tùy vùng khác nhau mà họ có thể cho thêm đậu xanh nấu chín vào bánh cũng được.

Bánh gói xong thì cho vào nồi hấp cách thủy. Bánh chín được vớt ra rổ (rá) tre và để ráo nước, bánh có mùi thơm vô cùng hấp dẫn cùng màu vàng sáp tự nhiên của trái thốt nốt kết hợp với màu xanh nhạt của lá chuối trông rất bắt mắt. Bánh là sự kết hợp của cái dẻo từ bột, vị ngọt đường cát, vị ngọt và vị beo béo của nước dừa, cơm thốt nốt, cùng với vị đậm đà của muối.

Bánh lá thốt nốt không chỉ là món dân dã hấp dẫn nhiều du khách mà còn là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo, đặc trưng của miền Tây. Một đặc sản mà bất cứ ai khi tới nơi đây không thể không biết tới.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]