Man City là đội có tổng giá trị cầu thủ (tính theo giá chuyển nhượng) cao nhất, cũng là đội có quỹ lương cao nhất thế giới hiện nay. Tính bình quân, mỗi cầu thủ của Manchester City hiện lĩnh 102.653 bảng/tuần. 
Ngay cả các CLB nổi tiếng nhất trong làng thể thao nhà nghề Mỹ - vốn là các CLB chỉ thuần tuý phục vụ mục đích kinh doanh giải trí, quảng cáo và hốt bạc, như New York Yankees hoặc LA Dodgers (ở môn bóng chày) cũng không thể trả lương cao như Man City. Real Madrid, Barcelona, M.U hoặc Bayern Munich càng bị bỏ xa khi so sánh quỹ lương với Man City.

Nhưng Man City coi như đã chấm dứt hy vọng tranh ngôi vô địch Premier League. Ở trận địa có đẳng cấp cao hơn là Champions League, Man City lại càng thảm hại. Tương tự là Paris SG, dù đội này “chỉ” thất bại ở Champions League. Nhờ có nguồn tiền dồi dào, Paris SG đã tăng cường lực lượng đến mức độ hùng hậu và họ luôn tỏ ra đáng gờm. Nhưng đội bóng số một của Pháp đã bị loại một cách tức tưởi (thua vì chỉ số phụ) bởi Barcelona và Chelsea trong hai mùa bóng liên tiếp, đều ở vòng tứ kết.

Vì sao? Vì trong bóng đá, người ta không thể thành công bằng con đường đơn giản là chi tiền mua sắm và trả lương cao cho các cầu thủ nổi tiếng. Man City và Paris SG đều không sánh được với những tên tuổi lớn như Real Madrid, M.U hoặc Bayern Munich về truyền thống, về bề dày lịch sử. Đi kèm theo đó sẽ là khác biệt về bản lĩnh, kinh nghiệm, tinh thần (chưa kể các vấn đề chiến thuật, chiến lược – đấy lại là cả một câu chuyện khác).

Giả sử bạn giỏi chơi bóng và đứng trước hai bản hợp đồng có mọi điều khoản ngang nhau, bạn sẽ chọn M.U hay Crystal Palace? Sẽ chọn Bayern Munich hay Freiburg? Dĩ nhiên là M.U hoặc Bayern - vì đấy là các đội bóng danh tiếng. Hệ quả tất yếu: các đội thua thiệt về tên tuổi sẽ phải chi tiền nhiều hơn để có lực lượng sánh ngang với các đội nổi tiếng. 
Các đội “nhà giàu mới” như Paris SG hoặc Man City phải chi tiền nhiều hơn các đội nổi tiếng mới quy tụ được một lực lượng hùng hậu. Nhưng họ vẫn không được đảm bảo sẽ thành công về chuyên môn. Trên trận địa kinh doanh, các đội như Man City hoặc Paris SG cũng vẫn thua thiệt trước Real Madrid, M.U hoặc Bayern về giá quảng cáo, tài trợ, bản quyền... Chi ra thì nhiều nhưng lấy lại không nhiều, không lỗ mới là chuyện lạ!

Phải có một quá trình tích luỹ kinh nghiệm, cải thiện bản lĩnh, vun đắp truyền thống, thì sức mạnh tài chính mới được phát huy triệt để, như Chelsea vô địch Champions League chín năm sau khi Roman Abramovich mua lại đội này. Cũng có thể nói, Chelsea đã cắn răng chịu lỗ suốt chín năm liền trước khi mua được thành công ở Champions League.

Đấy đã là một sự thiệt thòi rồi. UEFA đẻ ra quy định FFP (đại khái: các CLB kiếm được bao nhiêu thì chỉ được chi ra bấy nhiêu), thì chẳng khác gì cấm các đội bóng thua thiệt về tên tuổi như Man City hoặc Paris SG cạnh tranh với những gã khổng lồ như Real Madrid hoặc Bayern Munich! Bây giờ, người ta chỉ còn chờ xem danh sách các đội thiệt thòi gồm những ai, và họ sẽ bị UEFA phạt như thế nào!

Quỳnh Nga/TGTT