Ở các bé trai, niệu đạo được chia làm 2 phần là niệu đạo trước (phần nằm trong vật xốp của dương vật) và niệu đạo sau (nằm ngoài vật xốp).
Van niệu đạo sau là tình trạng ở phần niệu đạo sau có một màng ngăn làm cho nước tiểu lưu thông khó khăn và ứ lại trong bàng quang, thậm chí nước tiểu có thể chảy ngược trở lại niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) và thận.
Hiện tượng ứ đọng và chảy ngược của nước tiểu gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Khi mang thai cần siêu âm định kỳ để phát hiện sớm trẻ mắc bệnh hẹp van niệu đạo sau. Ảnh: TM
Dễ nhầm với các bệnh khác
Ở trẻ sơ sinh, các bé thường quấy khóc do không tiểu được, nhiều trường hợp trẻ kèm theo sốt, bụng trướng (do bàng quang căng và thấm nước tiểu) gây khó thở.
Ở trẻ lớn thì các dấu hiệu tiết niệu càng rõ nét hơn: tiểu khó, són tiểu, tiểu nhiều lần... do tình trạng rặn tiểu nhiều nên có thể xuất hiện thêm một số bệnh lý khác do tăng áp lực ổ bụng như xuất hiện các khối thoát vị, sa trực tràng, dò bàng quang...
Hình ảnh nội soi: Hình A Hình B: van niệu đạo sau Hình C: van cỡ nhỏ.
Tuy nhiên, hiện nay với kỹ thuật chẩn đoán trước sinh cũng có thể phát hiện được dị tật này khi siêu âm. Khoảng tuần lễ thứ 12 của thai kỳ, thận bào thai bắt đầu lọc nước tiểu, nếu kết quả siêu âm cho thấy có những dấu hiệu gợi ý như: bàng quang giãn to, thận và hai niệu quản giãn, ứ nước và thông thường kèm theo thiểu ối thì phải nghĩ đến khả năng thai nhi bị bệnh lý van niệu đạo sau.
Khi mắc van niệu đạo sau ở tuổi sơ sinh nếu có những biểu hiện về đường tiết niệu không đặc hiệu. Trong khi xuất hiện các triệu chứng toàn thân như hạ thân nhiệt, mất nước, thiếu máu, vàng da... suy hô hấp và tràn dịch phúc mạc thì cũng dễ nhầm với các bệnh lý khác.
Do đó, nhiều trường hợp không phát hiện được trong thai kỳ, khi sinh dễ bị tai biến do phát hiện muộn, nhập viện trễ. Trước đây, do kỹ thuật chưa phát triển, tỷ lệ tử vong cao ( khoảng 25%) khi mắc các dị tật này.
Hậu quả khó lường
Sự tắc nghẽn đường ra của niệu đạo sẽ gây ứ đọng nước tiểu, bí tiểu, thậm chí trào ngược dẫn đến suy thận, sốc nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, người ta còn ghi nhận trào ngược bàng quang - niệu quản cũng có thể là do nguyên nhân dị dạng của vùng tam giác bàng quang vì trào ngược vẫn còn tiếp diễn sau khi đã cắt bỏ van niệu đạo, trào ngược bàng quang - niệu quản về lâu về dài sẽ đưa đến giãn niệu quản, giãn đài - bể thận và bệnh lý thận do trào ngược mà cuối cùng là suy giảm chức năng thận.
Những thương tổn nặng và muộn của bàng quang, của hai niệu quản cũng như của hai quả thận trong bệnh lý van niệu đạo sau phần lớn cũng sẽ không hồi phục sau khi đã cắt bỏ van. Chính vì thế, khi phát hiện cần phẫu thuật cắt bỏ van niệu đạo sau càng sớm càng tốt để tránh các diễn biến xấu.
Lời khuyên của bác sĩ
Khi mang thai, chị em cần khám thai, siêu âm định kỳ. Khi siêu âm tiền sản có thể có những dấu hiệu gợi ý phát hiện trẻ có thể mắc bệnh lý này. Nếu nghi ngờ, sản phụ phải được khám, chẩn đoán và tư vấn ở cơ sở y tế chuyên khoa thận - tiết niệu nhi để bé được can thiệp kịp thời ngay sau lúc sinh. Ngoài ra, sau khi sinh, các bậc cha mẹ cần theo dõi bé có tiểu được hay không.
Nếu thấy có những biểu hiện nghi ngờ như: tiểu rặn, khó khăn, tiểu không thành tia kèm theo kết quả siêu âm tiền sản có nghi ngờ thì phải đưa bé đi khám ngay tại các cơ sở y tế tránh để muộn sẽ gây ra những biến chứng như nhiễm khuẩn tiểu, suy thận và thậm chí bị vỡ bàng quang. Hậu quả lớn nhất là trẻ bị suy thận không hồi phục.
Trẻ có van niệu đạo sau dễ bị vỡ bàng quang
Mới đây, Khoa Niệu BV Nhi Đồng 2 (TPHCM) tiếp nhận và điều trị phẫu thuật cho một bé trai mới 3 tháng tuổi (Bình Phước) nhập viện trong tình trạng viêm phúc mạc do vỡ bàng quang. Bé trai từ khi sinh đi tiểu rặn, tia tiểu yếu, không bắn xa được; người nhà cho biết mỗi lần bé tiểu thường quấy khóc, sau đó bụng bé đột ngột trướng to, sờ đau, không thấy tiểu được.
Sau khi bé nhập viện, các bác sĩ thăm khám lâm sàng và hình ảnh chụp phim Xquang cho thấy bàng quang đã bị vỡ, bờ nham nhở. Siêu âm phát hiện hai niệu quản giãn, thận ứ nước hai bên và nước tiểu tràn ngập trong ổ bụng. Hình ảnh niệu đạo cản quang cho thấy van niệu đạo sau là nguyên nhân chính.
Mẹ bé cho biết, ngay từ sau sinh đã thấy em bé tiểu không bình thường: đi tiểu ngắn, tia không bắn xa được. Mỗi lần đi tiểu bé quấy khóc. Tuy nhiên, người nhà chủ quan, chỉ đến khi bé 3 tháng tuổi, triệu chứng nặng nề hơn mới cho trẻ đến bệnh viện.
Các bác sĩ cho biết, bé đã được phẫu thuật cấp cứu bao gồm thoát toàn bộ nước tiểu trong ổ bụng, khâu phục hồi bàng quang.
Sau khi đã chẩn đoán ra bệnh lý van niệu đạo sau và tình trạng bé ổn định, các bác sĩ đã phẫu thuật bước hai, sử dụng ống soi niệu đạo rất nhỏ chuyên cho trẻ sơ sinh để cắt van trong niệu đạo sau. Sau mổ bé ổn định, tiểu tốt và chức năng thận đã trở lại bình thường.
Theo BS Nguyễn Đăng - Sức khỏe và Đời sống