Tin bài Hay
LandingPage

Bảo tàng dân tộc học việt nam

09/01/2025 - 10:13

Bảo tàng dân tộc học việt nam
Bảo tàng dân tộc học việt nam

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, trình diễn và những hình thức hoạt động khác để giới thiệu văn hoá của các dân tộc Việt Nam cũng như các nước khác. Quá trình hình thành bảo tàng được xúc tiến từ những năm 80 của thế kỷ XX, khi điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn trong thời hậu chiến.

1. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở đâu? Thời gian mở cửa bảo tàng

  • Địa chỉ: số 1 đường Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
  • Giờ mở cửa Bảo tàng Dân tộc học: 8:00 - 17:30 thứ 3 - Chủ nhật

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một trong những bảo tàng ở Hà Nội nhất định nên ghé thăm một lần. Nơi đây có ý nghĩa văn hóa và lịch sử to lớn, rất phù hợp với những du khách đam mê tìm hiểu, khám phá Việt Nam.

Bảo tàng rộng 4,5ha, gồm nhiều công trình kiến trúc mới lạ và được ví như một bức tranh thu nhỏ về đồng bào 54 dân tộc tại Việt Nam. Cực nhiều hiện vật được trưng bày tại đây như trang sức, y phục, vũ khí, tôn giáo, nhạc cụ, tín ngưỡng…

2. Giá vé vào Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và lệ phí

Vé bảo tàng dân tộc học Việt Nam là 40.000 VNĐ/người. Với sinh viên là 20.000 VNĐ/lượt, với học sinh là 10.000 VNĐ/lượt. Giá vé giảm 50% với người cao tuổi, người khuyết tật nặng và người dân tộc thiểu số. Miễn phí với người khuyết tật nặng đặc biệt và trẻ em dưới 6 tuổi.

Tại bảo tàng, bạn có thể thuê dịch vụ thuyết minh để tìm hiểu sâu hơn. Giá thuyết minh là 100.000 VNĐ toàn bộ bảo tàng bằng tiếng Việt, 100.000 VNĐ khu trong nhà bằng tiếng Pháp/Anh, 50.000 VNĐ khu trong nhà bằng tiếng Việt và 50.000 VNĐ khu ngoài trời bằng tiếng Việt. 

3. Lịch sử bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Bảo tàng trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, do nhà nước xây dựng và thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia tại nước ta. Khi tìm hiểu các bài giới thiệu về Bảo tàng Dân tộc học, bạn sẽ được biết về lịch sử và quá trình hình thành bảo tàng:

  • Từ những năm 80 của thế kỷ XX, khi đất nước vẫn còn khá khó khăn do đang trong thời kỳ hậu chiến, Bảo tàng Dân tộc học được xúc tiến xây dựng.
  • Ngày 24/10/1995, bảo tàng được Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành quyết định thành lập.
  • Ngày 12/11/1997, nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh các nước họp tại Hà Nội, bảo tàng đã tổ chức lễ khánh thành với sự góp mặt của Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac.
  • 4. Bảo tàng Dân tộc học có gì thu hút khách tham quan?

  • Bảo tàng gồm có 3 khu trưng bày thú vị: tòa Trống đồng, Vườn Kiến trúc, tòa Cánh diều. Tại đây còn có nhiều trải nghiệm thú vị không thể bỏ lỡ.
  • 4.1. Tòa Trống đồng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

  • Tòa nhà Trống đồng - tòa nhà 2 tầng là một trong hai tòa trưng bày tại bảo tàng. Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Hà Đức Lịnh (người Tày), mô phỏng theo hình chiếc trống đồng của văn minh Đông Sơn.
  • Tòa Trống đồng có tổng diện tích trưng bày lên đến 2.000m2, khai trương tháng 11/1997. Phần lớn tòa nhà được dành để trưng bày về 54 dân tộc anh em tại Việt Nam với những hiện vật, ảnh, phim cùng các khu tái tạo sinh động cùng nhiều bài viết nghiên cứu hấp dẫn.
  • Lộ trình tham quan tòa Trống đồng gồm 9 phần chính, được hệ thống nhất quán vô cùng lý thú. Tại đây còn có một không gian để tổ chức các trưng bày nhất thời.
  • 4.2. Tòa Cánh diều thiết kế ấn tượng

  • Tòa nhà 4 tầng có tên gọi Cánh diều được xây dựng từ tháng 6/2007 và khai trương vào năm 2013. Tòa Cánh diều trưng bày về cư dân ngoài Việt Nam như các dân tộc Đông Nam Á. 
  • Nơi đây được thiết kế bởi các kiến trúc sư của Đại học Xây dựng Hà Nội, mô phòng theo cánh diều - nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Đông Nam Á.
  • Tại tòa nhà có 4 chủ đề thường xuyên là Văn hóa Đông Nam Á, Một thoáng châu Á, Tranh kính Indonesia, Vòng quanh thế giới. Ngoài ra còn có khu trưng bày nhất thời, hội trường, phòng chiếu phim, các hoạt động giáo dục.

4.3. Vườn Kiến trúc ngập tràn màu xanh mướt

Khu trưng bày ngoài trời - Vườn Kiến trúc được xây dựng từ năm 1998 - 2006 và rộng khoảng 2ha. Nơi đây giới thiệu 10 công trình kiến trúc dân gian độc đáo của 10 dân tộc Việt Nam như khuôn viên nhà người Chăm, nhà Rông Bana, nhà người Việt, nhà mồ Giarai, nhà Dài Ê Đê, nhà mồ Cơtu, nhà sàn Tày, nhà trệt Hmông, nhà trình tường của người Hà Nhì và nhà nửa sàn nửa trệt của người Dao.

Vườn Kiến trúc được bao phủ bởi nhiều loại cây cối xanh ngát, dòng suối nhân tạo mát lành. Nơi đây giới thiệu sự đa dạng, phong phú của văn hóa Việt Nam.

4.4. Các hoạt động, sự kiện văn hóa nghệ thuật hấp dẫn

Bảo tàng thường xuyên tổ chức các cuộc trình diễn văn hóa phi vật thể vào những dịp như tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Quốc tế Thiếu nhi… Những sự kiện này luôn thu hút đông đảo du khách đến tham gia, trải nghiệm.

Tại bảo tàng, bạn còn được tìm hiểu về làng nghề thủ công. Đây là cơ hội để chiêm ngưỡng sự khéo léo và tài hoa của các nghệ nhân, thợ thủ công khi dệt chiếu, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, làm gốm, khoan nòng súng, làm giấy dó, làm đồ chơi dân gian, in tranh Đông Hồ.

Vào thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần, bạn còn có thể thưởng thức những màn múa rối nước dân gian. Nhiều tiết mục hấp dẫn từ các phường rối làng quê Bắc Bộ luôn đón chờ du khách.

5. Kinh nghiệm tham quan bảo tàng Dân tộc học Hà Nội

Để tham quan bảo tàng thuận tiện và trọn vẹn, bạn nên:

  • Đi theo nhóm nhỏ, không đi đoàn quá đông 
  • Để tìm hiểu kỹ càng hơn, bạn có thể thuê hướng dẫn viên thuyết minh tại bảo tàng
  • Không để tiền hay đồ vật giá trị cao tại nơi gửi đồ
  • Giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác
  • Không gây ồn ào, không mang theo đồ ăn hay nước uống
  • Không tự tiện sờ vào hiện vật trưng bày


Thông qua các hiện vật trưng bày cùng nhiều hoạt động thú vị, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam góp phần giới thiệu và quảng bá nền văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc ở mảnh đất hình chữ S, đề cao lòng tự tôn dân tộc với văn hóa - di sản. Nơi đây còn là tọa độ thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương giữa các dân tộc anh em.

Home

thanhphong

    Trang chủTin mớiThị trườngVideo