Cùng chăm lo, nhà vệ sinh sẽ sạch

Trong khi một số trường nại lý do tiền ít, ý thức học sinh kém nên mới để nhà vệ sinh trong tình trạng dơ bẩn thì có khá nhiều trường trong điều kiện tương tự vẫn giữ được nhà vệ sinh sạch sẽ

15.6047
Trong lúc tìm hiểu để phản ánh những nhà vệ sinh bẩn, chúng tôi phát hiện vẫn có nhiều nhà vệ sinh trường học sạch sẽ. Lúc nào cũng khô thoáng Nhà vệ sinh của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3-TPHCM) nằm ngay đầu hành lang dẫn vào các lớp học. Hai nhà vệ sinh nam và nữ lúc nào cũng sạch. Mỗi dãy nhà vệ sinh có 4 – 7 phòng, sàn lúc nào cũng khô thoáng và không có mùi hôi. Cửa nhà vệ sinh làm bằng nhôm sáng loáng, mọi thứ trong các phòng đều gọn gàng, ngăn nắp. Khu vực nhà vệ sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1-TPHCM) khá rộng. Tuy không còn mới, sàn gạch có nơi đã ngả màu vàng nhưng được giữ khá sạch cả trong lẫn ngoài. Tại Trường THPT Marie Curie (Q.3), nhà vệ sinh đã được sửa sang lại, sạch mặc dù có vài cửa đã rơi chốt. Còn nhà vệ sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1) tuy cũ kỹ và nằm ở khu vực hơi chật hẹp nhưng đã được sơn lại và bên trong đều được làm lau chùi chu đáo, không hề có mùi hôi. Thấy dơ là dọn ngay Ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có một nữ lao công lớn tuổi nhưng rất cần mẫn tên Nguyễn Thị Hồng. Bà thường xuyên túc trực, nhắc nhở học sinh giữ vệ sinh chung và lau dọn nhà vệ sinh liên tục. Đây chính là một trong những mắt xích quan trọng quyết định chất lượng nhà vệ sinh. Theo hiệu trưởng một số trường học, không phải dễ tìm được một lao công có trách nhiệm với mức lương tương đối thấp như hiện nay (từ 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng tùy trường). Bà Hồng bộc bạch: “Tôi đã làm việc này qua nhiều trường nên hiểu vì sao cũng bấy nhiêu người, bấy nhiêu nhà vệ sinh nhưng có trường lại dơ, có trường thì sạch. Nếu coi các em là con cháu mình, có nhiệt tình và trách nhiệm với công việc thì sẽ giữ sạch được nhà vệ sinh. Công việc này rất vất vả, nếu không chịu khó mà chỉ coi đây là công việc tạm thời thì dễ dẫn đến chỗ chỉ làm qua quýt”. Bà Hồng cho biết bà phải thường xuyên túc trực ở khu nhà vệ sinh, hễ thấy dơ là dọn ngay, nếu cửa nẻo hư hỏng, xà phòng hết là báo ngay để trường kịp sửa chữa, cung cấp. Còn với các em học sinh, bà nhắc nhở từng ly từng tí về chuyện giữ vệ sinh chung. Một trong các nguyên nhân khiến nhà vệ sinh bẩn mà nhiều trường đưa ra là ý thức học sinh kém. Cô Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nhận xét về vấn đề này như sau: “Trước hết mình phải làm sao giữ gìn sạch sẽ nhà vệ sinh rồi sau đó mới nói đến chuyện dạy bảo các em. Điều này cũng giống như chuyện khi đi qua đường, thấy một đống rác, nhiều người có thể vứt thêm rác vào, nhưng một khi chúng ta đã dọn dẹp sạch đống rác ấy đi thì dù muốn vứt rác, họ cũng cảm thấy ngại”.
Do nín tiểu, nhiều học sinh mắc bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận rất nhiều học sinh mắc bệnh nhiễm trùng tiểu, táo bón... do nín đi tiểu, đi tiêu Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng Khoa Thận và bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1-TPHCM, cùng cho biết bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh nhiễm trùng tiểu, táo bón có nguyên nhân từ nín tiểu, đi tiêu. Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, trung bình cứ 3 giờ, trẻ đi tiểu một lần. Như vậy, một ngày trẻ đi khoảng 5-6 lần, không tính thời gian ngủ. Thế nhưng trên thực tế, nhiều trẻ học bán trú thường xuyên phải nín tiểu mà cha mẹ không biết. Bác sĩ Loan cho biết, theo cơ chế thông thường, khi nước tiểu đầy bàng quang, cơ thể sẽ tống ra. Nếu trẻ nhịn tiểu sẽ làm mất cơ chế bảo vệ cơ thể bình thường, nước tiểu bị ứ đọng dễ gây nhiễm trùng đường tiểu. Chưa kể, lượng nước tiểu có tinh thể nên nếu bị ứ đọng trong bàng quang sẽ kết tủa, dễ gây bệnh sỏi thận. Ngoài ra, nín tiểu còn gây ra rối loạn phản xạ đi tiểu, lâu ngày sẽ dẫn tới tiểu són, tiểu gắt. Bác sĩ Loan nhấn mạnh, tuổi càng nhỏ nếu thường xuyên bị nhiễm trùng tiểu mà không được điều trị đúng càng dễ tổn thương thận và khi bị tổn thương sẽ để lại di chứng nặng nề hơn. Nhiễm trùng tiểu tái phát thường xuyên sẽ gây nhiễm trùng đường tiểu (viêm thận nhiễm trùng), dẫn đến tạo sẹo trên thận. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận mãn, có khi đến 20-30 năm sau mới bộc phát bệnh. Bác sĩ Hoàng Lê Phúc cho biết thêm nếu trẻ thường xuyên nín đi tiêu sẽ gây ra tình trạng táo bón. Nặng hơn sẽ bị nứt hậu môn, viêm móng hậu môn, són phân... Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Lao động sức khỏe và Môi trường TPHCM, nhà vệ sinh dơ là nơi tập hợp rất nhiều ổ vi trùng nên cũng gây nguy hiểm cho cả những học sinh ráng chịu đựng để đi vệ sinh. Những học sinh này nếu rửa tay không sạch thì dễ có nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa, sốt bại liệt, tay chân miệng...

THÙY DƯƠNG

TS MAI NGỌC LUÔNG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI TÂM LÝ GIÁO DỤC TPHCM: Việc trong tầm tay Vệ sinh trong trường học không được bảo đảm, trách nhiệm trước tiên thuộc về lãnh đạo nhà trường. Giữ vệ sinh trong trường học là việc trong tầm tay của lãnh đạo các trường. Trường học là nơi có văn hóa, để xảy ra tình trạng này rõ ràng lãnh đạo trường không làm hết trách nhiệm. Tôi đề nghị ngành giáo dục phải đưa vấn đề vệ sinh trường học làm tiêu chí để đánh giá thi đua các trường. ÔNG ĐẶNG VĨNH BỬU, THÀNH VIÊN BAN ĐẠI DIÊN CHA MẸ HỌC SINH TRƯỜNG THPT NGUYỄN THỊ DIÊU (Q.3 – TPHCM): Cần đi vào lợi ích thiết thực Theo tôi, hiện nay Ban Đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều trường nói chung và Trường THPT Nguyễn Thị Diệu nói riêng vẫn chưa quan tâm đến những việc tưởng chừng nhỏ nhưng thực sự đó là vấn đề rất cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe cho con em chúng ta. Trong đó có một số vấn đề quan trọng như giữ gìn sạch sẽ nhà vệ sinh trường học, tăng cường ánh sáng phòng học cho học sinh, lựa chọn bàn ghế đủ tiêu chuẩn... nhằm tránh gây ra những chứng bệnh học đường cho các em. Thay vì đầu năm học các trường kêu gọi đóng góp này nọ để giải quyết những yêu cầu chưa thật sự cần thiết như gắn máy lạnh, thuê giáo viên nước ngoài (có khi thuê nhầm “tây ba lô”), học thêm quá nhiều... thì Ban Đại diện cha mẹ học sinh có thể cùng góp sức hỗ trợ nhà trường như thuê thêm lao vụ để dọn dẹp nhà vệ sinh thường xuyên hơn, sạch sẽ hơn. Thay mặt Ban Đại diện cha mẹ học sinh, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường định biên nhân sự lao vụ cho các trường có tổng số lớp trên 40. Vì theo thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ thì những trường có số lượng trên 40 lớp chỉ được thuê tối đa 2 lao vụ hợp đồng dài hạn. Thực tế tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu dù đã tự tăng cường thành 3 lao vụ dọn dẹp nhưng với 4 dãy phòng học, 9 nhà vệ sinh, sân trường, khối văn phòng, cũng không thể nào dọn dẹp kịp thời phục vụ cho hơn 1.100 học sinh và giáo viên của trường. H.Lân - Y.Thy ghi Ý KIẾN BẠN ĐỌC Từ ĐH đến mẫu giáo đều có vấn đề Vấn đề nhà vệ sinh ở các trường học quả thật đáng báo động. Theo tôi, nhà vệ sinh của các trường từ ĐH đến mẫu giáo đều có vấn đề, nhưng nhiều năm qua ngành giáo dục đã không quan tâm hay quan tâm chưa đúng mức. Theo tôi biết, hiện nay có rất nhiều nhà vệ sinh của các trường đã xuống cấp trầm trọng nhưng không có kinh phí để sửa chữa, không có nhân viên làm vệ sinh... Hiện nay, có một số trường, thông qua hội cha mẹ học sinh, kêu gọi phụ huynh đóng góp để sửa chữa nhà vệ sinh, trong khi không năm nào cha mẹ học sinh không phải đóng tiền cơ sở vật chất, tiền vệ sinh. Bùi Hữu Ngọc ([email protected])   Đừng để các cháu phải nín... Tôi có bé trai 6 tuổi học lớp 1. Nơi tôi ở có thể được phân tuyến học ở Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì và Tiểu học Lê Văn Tám (Q. Tân Phú-TPHCM). Trước khi quyết định đăng ký trường cho cháu, tôi đã đưa cháu tham quan cả 2 trường. Khi được hỏi con thích học trường nào hơn, cháu đã chọn Trường Tân Sơn Nhì, ngôi trường mới xây theo chuẩn quốc gia, nhà vệ sinh trường này sạch. Nhưng khi nhập học được vài ngày, cháu phụng phịu nói: “Nhà vệ sinh ở trường bây giờ hôi lắm, con không dám vào. Con tiểu ở gốc cây nhưng lại sợ bị mấy anh chị sao đỏ bắt”. Sau đó cháu không dám uống nhiều nước và cố gắng nhịn khát, nhịn tiểu đến khi về nhà. Tuy số lượng học sinh quá đông so với số lượng nhà vệ sinh, đồng thời ý thức vệ sinh của các cháu chưa tốt nhưng có thể khắc phục bằng cách dọn dẹp nhà vệ sinh thường xuyên sau giờ ra chơi, vì đa số các cháu sử dụng nhà vệ sinh vào thời gian này. Thuha ([email protected])   Do hiệu trưởng không quan tâm Tình hình nhà vệ sinh ở các trường công như Báo NLĐ phản ánh xảy ra hàng chục năm nay rồi. Ai có con đi học đều biết nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Thử vào trường tư mà xem, đâu đến nỗi như vậy. Chính là do hiệu trưởng chứ không thể đổ thừa cho người khác. Hiệu trưởng đã không quan tâm và không có biện pháp chấn chỉnh. Các cháu đi học là phải nhịn tiểu, không dám uống nước để tránh đi tiểu. Vậy các thầy, cô có biết các học sinh của mình sẽ mắc bệnh gì không? Để tôi kể một câu chuyện: Tôi có dẫn một đoàn khách nước ngoài đi các tỉnh bàn chuyện làm ăn. Đến cơ quan bạn, trước tiên ông ta xin đi nhà vệ sinh. Sau nhiều lần như vậy tôi hỏi thì ông ta nói vào nhà vệ sinh xem mức độ sạch sẽ cũng là một chi tiết để đánh giá tính cách của đối tác.

[email protected]

BÙI LÊ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]