Dị nhân trên đỉnh Hương Sơn viết thư pháp bằng bút xơ dừa

(Dân Việt) (Dân Việt) - Ông chỉ ăn lưng bát cơm chay, uống nước dừa cho thanh bạch và nằm ngủ dưới đất để âm-dương hòa hợp. Đúng 0 giờ thì ông tắm rửa sạch sẽ rồi chuẩn bị giấy bút. Bút nghiên của ông cũng vô cùng đặc biệt. Bút được làm từ xơ dừa.

15.5864

Sau khi tìm được động Cam Lộ, ông Vinh ở đó suốt 36 năm để tập thiền, tập kiếm và cũng từ đấy ông ngộ ra loại hình thư tâm pháp độc đáo của riêng người Việt Nam.

Viết thư pháp bằng bút xơ dừa

Ông Vinh giới thiệu các bức tâm pháp tại triển lãm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ông Vinh nhớ lại: "Thời gian đó không có giấy, tôi ngồi luyện viết chữ trên vách đá. Hang động yên tĩnh, chỉ cần nhắm mắt lại là có thể phóng bút vẽ ra những hình ảnh hiện lên trong suy nghĩ của mình". Ông Vinh cho biết, trọng yếu nhất là phải đưa được cái hồn của người viết vào ngòi bút. Thường thì ông bắt đầu viết vào lúc 1 giờ đêm.

Trước đó, ông chỉ ăn lưng bát cơm chay, uống nước dừa cho thanh bạch và nằm ngủ dưới đất để âm-dương hòa hợp. Đúng 0 giờ thì ông tắm rửa sạch sẽ rồi chuẩn bị giấy bút. Bút nghiên của ông cũng vô cùng đặc biệt. Bút được làm từ xơ dừa. Ông lựa chọn những quả dừa xanh, tước bỏ lớp vỏ bên ngoài rồi lấy xơ ngâm với cồn, tẩm ướp, phơi, sấy và tết lại thành những chiếc bút như những chiếc lược với độ dài khoảng một gang tay.

Giấy để viết là giấy cuộn bình thường nhưng cũng được tẩm hóa chất để tạo thành loại giấy nền đặc biệt. Mực là mực Hàn Quốc pha với nước dừa tươi. Màu mực thì được làm ra từ màu tự nhiên của cỏ, cây, hoa, lá rồi pha chế theo công thức riêng rất độc đáo, có những loại khi viết lên giấy thì óng ánh như ngọc trai dưới ánh đèn.

Ông Vinh bảo: "Khi bắt đầu viết, mình phải nhắm mắt ngồi thiền. Lúc nào rùng mình một cái thấy người nhẹ như bấc, lúc đó ngọn bút có thể phóng ra như nước chảy mây trôi. Nét bút hoàn toàn được điều khiển bởi trí óc đã thăng hoa chứ không phải là lý trí hay sức mạnh của bàn tay. Hình ảnh trong đầu trôi tới đâu thì nét bút thể hiện ra trên mặt giấy tới đó. Đấy gọi là "tâm bút hợp nhất". Các nét bút không tuân theo một khuôn khổ, phép tắc nào cả mà hoàn toàn phóng túng, tự do như tâm hồn của người viết.

Mỗi nét chữ đều từ tâm mà ra. Trong các bức tâm pháp bao giờ cũng có sự kết hợp của âm dương ngũ hành. Bản thân nước dừa pha trong mực đã là biểu hiện cho âm-dương hòa hợp. Nét bút nặng tay, mực đậm hơn thì được coi như âm, nét bút lướt nhẹ, mực nhạt hơn, bay bổng hơn thì được coi như dương.

Những nét âm dương này cứ xen lẫn nhau một cách hài hòa và gắn bó như 2 mặt của một tờ giấy không thể tách rời. Chính vì có âm dương nên mỗi bức tâm pháp của tôi đều như một lát cắt của cuộc sống với đất trời, cỏ cây, chim muông, hoa lá và cả nhân loại, chúng sinh".

Ngừng một lúc, ông Vinh tiếp: "Ví dụ như khi viết bức "Hồn thiêng sông núi" thì tôi phải nhìn thấy những hình ảnh như Bác Hồ, hồ Gươm, chùa Một Cột, cỏ cây hoa lá… Những hình ảnh thiêng liêng đó sẽ được chuyển vào ngòi bút và hiện lên mặt giấy.

Nói là nhìn thấy nhưng lúc viết thì lại hoàn toàn phải nhắm mắt, không được mở ra. Khi viết xong 1 bức, ta sẽ cảm thấy trong người rất là sảng khoái, viên mãn. Để xem những bức tâm pháp này, người xem phải nhập hồn vào thì mới có thể cảm nhận được những nội dung ẩn chứa trong đó.

Khát vọng về 5.000 bức tâm pháp trên đá

Dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, dù viết cật lực suốt 5 tiếng đồng hồ nhưng mỗi đêm ông Vinh cũng chỉ viết được 2 bức tâm pháp. 46 bức tâm pháp ông mang ra Hà Nội là một cuộn phim tái hiện lại những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Tiếc là tại cuộc triển lãm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ có 30 bức được treo lên vì không đủ chỗ. Hiện các bức tâm pháp này đang được trưng bày tại một khu lưu trữ ở Ba Vì.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vinh thành thật: "Tôi giờ chẳng còn ham muốn gì cả. Chính vì thế tôi chưa bao giờ có ý định bán đi các bức tâm pháp của mình. Cách đây 5 năm, tại đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, tôi đã viết hơn 1.000 bức, tại Đền Hùng tôi viết khoảng 50 bức, tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) tôi viết hơn 800 bức.

Gần 2.000 bức tâm pháp đó tôi đều gửi tặng lại các đền chùa, các khu di tích và bạn bè, anh em chứ không bán kiếm lời. Tôi đã mở nhiều triển lãm tâm pháp ở Pháp, Thái Lan, Ấn Độ, Lào, Campuchia… Tôi đã được mời đi rất nhiều nước trên thế giới, giao lưu với nhiều trường phái thư pháp khác nhau.

Đi nhiều nơi thế nhưng tôi chưa thấy nơi nào có nghệ thuật tâm pháp như ở Việt Nam cả. Những người bạn ở các nước tôi đi qua hỏi tôi học được bộ môn nghệ thuật này ở đâu mà viết đẹp thế, tôi bảo tâm pháp là từ tâm mà ra nên chỉ có thể tự ngộ và tự học chứ không thể truyền dạy như các bộ môn nghệ thuật khác. Cũng chính vì thế mà những tác phẩm tâm pháp không thể bắt chước mà vẽ ra được, vì nếu cố gắng học theo bằng lý trí thì sẽ hoàn toàn thiếu đi một chữ tâm".

Hiện tại, ông Vinh đang đặt thợ xẻ đá ở Hòa Bình để bắt đầu thực hiện ý tưởng về bộ ngũ thiên tự gồm 5.000 bức tâm pháp trên đá. Hiện tại đã có khoảng 200 tấm đá được xẻ xong. Ông Vinh chia sẻ: "Sau khi hoàn thành phần đá, tôi sẽ tiếp tục nhờ người tìm mua đủ 5.000 gốc cây tự nhiên để đặt bộ ngũ thiên tự này. Vấn đề bây giờ chỉ còn là không gian trưng bày nữa thôi. Tôi hy vọng có thể để lại cho con cháu đời sau một bộ tác phẩm có giá trị với tất cả tài năng và tâm huyết của mình".
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]