‘Giông’ hay ‘Dông’: Cách viết nào đúng chính tả?

Các từ “cơn giông” và “cơn dông” được các báo sử dụng không thống nhất khiến mọi người không khỏi thắc mắc cách viết nào mới đúng chính tả...

0

Một số báo tin tức online như VnExpress, Dân trí, Người lao động,... cùng một số trang tin khác sử dụng "giông lốc" hay "cơn giông".

Tuy nhiên, khi gõ tìm kiếm từ 'cơn dông' trên Google, người ta lại thấy một số báo mạng, trang tin khác sử dụng từ này.

Vậy cách viết nào: "Giông" hay "dông" mới đúng chính tả?

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Dông - hay còn viết là giông - là hiện tượng khí tượng phức hợp gồm chớp và kèm theo sấm do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra. Nó thường kèm theo gió mạnh, mưa rào, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng, ở vùng vĩ độ cao có khi còn có cả tuyết rơi...

Thuật ngữ "dông" trong tiếng Anh là thunderstorm; từ điển khí tượng Trung Quốc dịch là "lôi bạo", nghĩa là "sấm dữ dội", còn trong dân gian Việt Nam thì "dông" là "trận gió to”.

Trong khi đó, từ điển mở Wiktionary chỉ đưa ra định nghĩ danh từ “dông” – “chỉ hiện tượng khí quyển phức tạp, xảy ra đặc biệt vào các tháng 6-7-8, có mưa rào, gió giật mạnh, chớp và kèm theo sấm, sét”.

Được biết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung Ương cũng chỉ sử dụng từ "dông" như "mưa dông",... trong những bản tin của họ.

Qua tìm hiểu của phóng viên, các từ điển tiếng Việt từ nhiều năm trước chỉ có dông với nghĩa là gió lớn trong lúc chuyển mưa (Huỳnh Tịnh Của, 1896a: 243; Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:156; Lê Văn Đức, 1970a:377).

Một số từ điển hiện nay cũng coi dông là dạng duy nhất đúng chính tả (Nguyễn Như Ý, 1999:548).

Từ điển Tiếng Việt NXB Khoa học Xã hội Việt Nam 1988, (tr.283) cũng định nghĩa: Dông đ. Biến động mạnh của thời tiết bằng hiện tượng phóng điện giữa các đám mây lớn, thường có gió to. sấm sét, mưa rào, đôi khi có cả cầu vồng...

Bên cạnh đó cũng có một số từ điển gần đây chấp nhận cả dông và giông, xem như hai biến thể của cùng một từ (Nguyễn Kim Thản, 2005: 474 và 689; Hoàng Phê, 2006: 263 và 403).

Cũng bàn về câu chuyện dùng "dông" hay "giông", trang tunguyenhoc cho rằng, có vẻ như dạng sai chính tả bắt đầu "ngoi" lên kể từ khi Vũ Trọng Phụng cho xuất bản quyển tiểu thuyết lấy nhan đề là "Giông tố" vào năm 1937. Tác phẩm như Giông tố và nhà văn tầm cỡ Vũ Trọng Phụng nhất định phải có vai trò quan trọng trong việc phổ biến cách viết sai. Tuy nhiên, cái lỗi chính tả đó cũng phải phù hợp với cảm thức của người Việt nên nó mới dễ dàng được chấp nhận như ta thấy hiện nay.

Tác phẩm "Giông tố" của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Có thể thấy, trong các từ điển tiếng Việt, từ trước tới nay từ "dông" được chấp nhận là đúng chuẩn chính tả. Tuy nhiên, trong văn chương, từ thời cố nhà văn Vũ Trọng Phụng đã dùng tới từ "giông" và tạo chỗ đứng khá vững trong ngôn ngữ đại chúng ngày nay. Tới hiện tại, dường như mọi người biết tới và sử dụng từ giông nhiều hơn, vậy đâu mới là từ sử dụng đúng chính tả theo ngôn ngữ hiện đại?

Để trả lời cho câu hỏi này, PV báo Điện tử Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam). Liên quan đến việc sử dụng từ "giông" hay "dông", PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết: “Trong chính tả, tiếng Việt nói chung có nhiều trường hợp lưỡng khả, tam khả. Chữ “d” hay “gi” trong thực tiễn sử dụng tiếng Việt hiện nay được gọi là trường hợp “lưỡng khả” chấp nhận cả hai, viết cách nào cũng đúng”...

Thi Ân - Hoàng Bích

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]