1. Giới thiệu về Hoàng thành Thăng Long: Từ kinh đô Đại La đến thủ đô Hà Nội
Hoàng thành Thăng Long có lịch sử kéo dài hơn 13 thế kỷ, bắt đầu từ thế kỷ thứ 7. Dưới thời nhà Đường, nơi đây là thành Đại La. Đến năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La và đổi tên thành Thăng Long, đánh dấu sự ra đời của một kinh đô mới.
Hoàng thành Thăng Long Hà Nội trải qua nhiều triều đại khác nhau, từ Lý, Trần, Lê đến Nguyễn, mỗi triều đại đều để lại những dấu ấn riêng biệt. Các công trình kiến trúc và di tích còn sót lại đến ngày nay là minh chứng cho sự phồn thịnh và phát triển của một trung tâm văn hóa, chính trị quan trọng. Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, thành Thăng Long giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, có dịp du lịch Hà Nội thì bạn nhất định phải ghé thăm di tích này nhé.
Tháng 12/2002, các chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình – Hà Nội. Kết quả của cuộc khai quật lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này là đã phát lộ ra những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long. Các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau tạo nên một công trình vô giá.
Tại đây, các chuyên gia cũng đã tìm thấy những dấu vết kiến trúc hoàng thành thăng long độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá, phần nào giúp tái hiện lại chiều dài lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), tiếp theo là xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 - 1945).
Vào lúc 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của người dân Việt Nam về bề dày lịch sử và văn hóa của nước nhà.
2. Ý nghĩa văn hóa và lịch sử của Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long không chỉ là trung tâm quyền lực của các triều đại phong kiến Việt Nam mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Đây là nơi các vua chúa tổ chức những buổi yết kiến, lễ hội và sự kiện quốc gia. Nó cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc, như kháng chiến chống quân xâm lược, các cuộc cải cách và những thay đổi lớn trong lịch sử đất nước.
Với diện tích khoảng 18.3 ha, khu di tích bao gồm nhiều công trình quan trọng như Đoan Môn, Kinh Thiên, Cột Cờ Hà Nội và Hậu Lâu. Mỗi công trình đều mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt, phản ánh sự phát triển và tiến bộ của kiến trúc hoàng thành thăng long và nghệ thuật Việt Nam qua các thời kỳ.
3. Hướng dẫn di chuyển và tham quan Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long ở đâu ? Hoàng thành Thăng Long là một trong những di sản văn hóa lịch sử vô cùng quý giá của Việt Nam, đặc biệt là của Hà Nội.
Vị trí của Hoàng thành Thăng Long:
- Địa chỉ: 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Giờ mở cửa tham quan: 8h00 - 17h00
Số điện thoại: 024 3734 5427
Hoàng thành Thăng Long tọa lạc tại trung tâm thủ đô Hà Nội nên bạn có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng nhiều loại phương tiện khác nhau:
- Xe buýt: Có nhiều tuyến xe buýt đi qua khu vực này, một số tuyến bạn có thể lựa chọn là số 22A, 23, 41, 50, E09.
- Xe máy hoặc ô tô: Bạn có thể tự lái xe hoặc sử dụng các dịch vụ xe ôm, taxi, xe công nghệ để đến địa điểm này. Bãi đỗ xe ở gần cổng vào, thuận tiện cho việc di chuyển.
- Đi bộ hoặc xe đạp: Nếu bạn chọn khách sạn ở gần khu vực trung tâm thì việc đi bộ hoặc sử dụng xe đạp là lựa chọn tốt để tận hưởng không gian thoáng đãng và xanh mát của thủ đô.
4. Khám phá các công trình quan trọng tại Hoàng thành Thăng Long
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long bao gồm nhiều công trình kiến trúc quan trọng, mỗi công trình đều có những giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt. Dưới đây hãy cùng cẩm nang du lịch Tinbaihay khám phá nhé.
4.1 Đoan Môn
Đoan Môn là cổng chính của Hoàng thành Thăng Long, được xây dựng vào thời Lý và Trần. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng và là điểm đầu tiên khách tham quan sẽ tiếp cận khi bước vào khu di tích. Kiến trúc Đoan Môn thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc cổ điển và các yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam.
4.2 Điện Kính Thiên
Điện Kính Thiên là công trình quan trọng nhất của Hoàng Thành, nơi diễn ra các nghi lễ triều đình và những sự kiện quan trọng của quốc gia. Dù phần lớn kiến trúc nguyên bản đã bị phá hủy, nền móng và bậc thang đá của Điện Kính Thiên vẫn còn tồn tại, là chứng nhân cho sự phồn thịnh của kinh đô Thăng Long xưa.
4.3 Cột Cờ Hà Nội
Cột cờ Hà Nội hay còn gọi là Kỳ Đài, là một trong những biểu tượng nổi tiếng của Hà Nội. Công trình này được xây dựng vào năm 1812 dưới triều Nguyễn. Cột cờ Hà Nội cao 33.4 mét với thiết kế kiên cố, là điểm nhấn nổi bật trong khu di tích. Đây cũng là nơi lý tưởng để bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao.
4.4 Hậu Lâu - Hoàng thành Thăng Long
Hậu Lâu còn có tên gọi khác là Lầu Công Chúa, cũng là điểm tham quan được nhiều người yêu thích khi đến Hoàng thành. Đây là nơi nghỉ ngơi của hoàng hậu, công chúa và phi tần dưới các triều đại phong kiến. Kiến trúc Hậu Lâu mang đậm phong cách truyền thống, những chi tiết được chạm khắc cầu kỳ và tinh xảo.
5. Những trải nghiệm thú vị khi tham quan Hoàng thành Thăng Long
Đến với Hoàng thành Thăng Long, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ kính mà còn có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động và trải nghiệm thú vị.
5.1 Trải nghiệm tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” siêu hấp dẫn
“Giải mã Hoàng thành Thăng Long” là tour đêm giúp bạn có thể hình dung một phần lịch sử quan trọng của nước nhà. Thời gian tour kéo dài 90 phút với lộ trình đi từ cửa Đoan Môn đến khu khảo cổ. Thời gian khởi hành tour là từ 18h00, 18h30 và 19h00, tổ chức vào các ngày thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần.
Trong hành trình tham quan, bạn chắc chắn sẽ vô cùng thích thú khi được chiêm ngưỡng không gian cung đình kỳ ảo dưới ánh đèn lồng. Cùng với đó có hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết về các triều đại xưa qua những kiến trúc, cổ vật quý, câu chuyện thú vị về vua chúa… Đặc biệt là bạn còn được thưởng thức điệu múa hoàng cung cực kỳ uyển chuyển và đẹp mắt.
5.2 Tham quan phòng trưng bày
Trong khuôn viên Hoàng Thành Thăng Long thiết kế khu vực triển lãm trưng bày với thiết kế khoa học, chia thành các khu vực:
- Khu trưng bày Thăng Long – Hà Nội.
- Khu trưng bày Báu vật Hoàng cung Thăng Long.
- Khu trưng bày các vương triều.
- Khu trưng bày rồng uy quyền.
- Khu trưng bày khảo cổ học.
6. Chiêm ngưỡng 3 bảo vật quốc gia tại Hoàng thành Thăng Long
Ba bộ sưu tập bảo vật quốc gia tại tại Hoàng thành Thăng Long gồm: Đầu phượng thời Lý (thế kỷ 11-12), bình Ngự dụng (thế kỷ 15) và gốm Trường Lạc thời Lê sơ (thế kỷ 15-16).
6.1 Bảo vật Đầu phượng thời Lý
Bộ sưu tập đầu phượng thời Lý (thế kỷ 11-12) bao gồm 5 hiện vật làm từ đất nung. Nguyên liệu đất sét được ủ và xử lý kỹ lưỡng trước khi được sử dụng để tạo hình. Các tác phẩm thể hiện sự tinh xảo của nghệ thuật điêu khắc thời Lý với những khối tượng tròn có kích thước đa dạng. Toàn bộ hoa văn trên các hiện vật đều được chạm khắc thủ công tỉ mỉ.
Mỗi đầu phượng được thể hiện trong tư thế sống động, mạnh mẽ với bờm uốn lượn nhiều khúc hướng về phía trước, mỏ dài, má phình, và mào hình lá đề lệch về phía trước. Đặc biệt, các chi tiết như đôi mắt to tròn nổi bật, lông mày tạo thành dải bay ngược, tai to rộng uốn lượn đều được chế tác tinh xảo, thể hiện kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân thời bấy giờ.
6.2 Bảo vật bình Ngự dụng thời Lê sơ
Bình Ngự dụng thời Lê sơ (thế kỷ 15) là một tác phẩm độc đáo với cấu trúc gồm đáy, thân, vai, miệng, vòi và quai. Đại diện Hoàng thành Thăng Long cho biết, với cấu trúc miệng đứng và kiểu dáng đặc trưng, nhiều khả năng chiếc bình nguyên bản có nắp, tuy nhiên, hiện nay chưa tìm thấy chiếc nắp tương tự.
Điểm nổi bật của hiện vật này là hình ảnh con rồng ẩn mình trong cấu trúc bình, vòi bình là đầu rồng trong tư thế ngẩng cao, sừng và bờm được đắp nổi. Quai bình mô phỏng một phần thân rồng với vây giương cao, bốn chân rồng được tạo hình rõ nét trên hai vai bình, mỗi bên hai chân.
6.3 Bảo vật gốm Trường Lạc
Bảo vật thứ ba là bộ sưu tập gốm Trường Lạc thời Lê sơ (thế kỷ 15-16). Bộ sưu tập gồm 36 chiếc chén, bát, đĩa gốm Trường Lạc, tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long.
Các hiện vật này được chế tác hoàn toàn thủ công, mang tính chất độc bản. Có thể khẳng định rằng, bộ sưu tập chén, bát, đĩa gốm Trường Lạc là những vật dụng thuộc cung Trường Lạc, một cung điện quan trọng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ thế kỷ 15-16.
Hoàng Thành Thăng Long không chỉ là một di tích lịch sử quan trọng mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam. Mỗi viên gạch, mỗi bức tường ở đây đều kể lại những câu chuyện về một thời đại đã qua, góp phần vào bức tranh tổng thể của lịch sử đất nước. Hi vọng với những thông tin cẩm nang du lịch Tinbaihay đã cung cấp, bạn sẽ có một hành trình với thật nhiều niềm vui và những trải nghiệm đáng nhớ.