Làm gì để ngăn chặn tội phạm trên TTCK

15.6037

Từ năm 2007, thị trường chứng khoán (TTCK) ở nước ta đã hoạt động rất sôi nổi nhưng cũng chứa đựng nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ năm 2008 đến nay.

Thực trạng thị trường

Do quy định của Luật Chứng khoán và Nghị định 14/2007/NĐ-CP rất thông thoáng nên trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thị trường phát triển nóng để phát hành số lượng CK lớn, trong đó một phần đáng kể để đầu tư tài chính với phương án sử dụng vốn chưa rõ ràng, cụ thể khiến cho nguồn cung CK vượt quá cầu trên thị trường và dẫn đến giá cổ phiếu bị pha loãng quá nhanh. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ tài chính lại chưa có một công cụ hữu hiệu nào mà luật pháp cho phép để có thể ngăn chặn hay điều tiết được tình hình. Theo số liệu thống kê, chỉ riêng từ đầu năm 2007 đến đầu năm 2009, UBCKNN đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với gần 130 doanh nghiệp do thực hiện chào bán CK ra công chúng nhưng không đăng ký với UBCKNN. Đó là những doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 10 tỉ đồng (không đủ điều kiện chào bán) nhưng vẫn tiến hành chào bán CK để huy động vốn rộng rãi ra công chúng, trái với các quy định của pháp luật về CK và TTCK. Nếu không kịp thời ngăn chặn, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện chào bán CK ra công chúng nhưng vẫn tiến hành chào bán, huy động vốn của số đông nhà đầu tư mà không cần đăng ký qua một cơ quan quản lý nào, thậm chí không cần tuân thủ các quy định về công bố thông tin, đảm bảo công khai, minh bạch về tài chính... Chính các hoạt động phát hành CK tự do, thiếu sự quản lý của các tổ chức đã là mầm mống xuất hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt vốn của các nhà đầu tư trên thị trường.

Giải pháp phòng ngừa

Mặc dù có công tác thanh tra, giám sát, cưỡng chế...nhưng tính thực thi của pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán còn thấp. Nguyên nhân chính là do các chế tài xử lý còn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Trong khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều dạng vi phạm mới, tinh vi, phức tạp hơn. Chính vì thế, việc đề ra các giải pháp là điều hết sức quan trọng.

Trước hết, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công chúng đầu tư để một mặt tích cực, chủ động tham gia thị trường nhưng mặt khác phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia thị trường. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các chủ thể tham gia TTCK; đồng thời cải tiến công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật với nhiều hình thức như tổ chức các lớp tập huấn cho các lãnh đạo, người quản lý của công ty đại chúng về CK và đặc biệt là cách nhận biết các hành vi vi phạm để tránh việc các công ty, người có liên quan vi phạm do vô ý, thiếu hiểu biết. Thứ hai, phải xây dựng hệ thống các quy định về cảnh báo rủi ro đối với các giao dịch CK bất thường và có biện pháp can thiệp khi có dấu hiệu bất thường của thị trường (quy định về công bố thông tin cho nhà đầu tư đối với các CK có dấu hiệu giao dịch bất thường để tránh hành vi thao túng CK, làm giá, tạo cung cầu giả. Thứ ba, phải hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm về CK và thị trường CK (như nâng cao mức phạt tiền; cụ thể hóa, chi tiết đối với mỗi loại hành vi vi phạm; bổ sung các tội danh trong lĩnh vực CK tại Bộ luật Hình sự...). Thứ tư, cần đưa ra các giải pháp về cơ chế để thực hiện, như nâng cao tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan thanh tra, xử lý vi phạm; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan trong lĩnh vực xử lý vi phạm CK và TTCK.

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số tháng 11/2010.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]