Lynndie England - “Mụ phù thủy” nổi tiếng thế giới

Trong những bức ảnh làm cả thế giới kinh hoàng về cảnh hành hạ tù nhân người Iraq ở nhà tù Abu Ghraib người ta thường thấy xuất hiện một nữ binh sĩ. Ả là ai? Phải chăng “Mụ phù thủy” mất hết nhân tính này đã hành động theo mệnh lệnh của cấp trên

15.5855

Lynndie England: “Mụ phù thủy” có bầu phải ra tòa

Cô ả đột nhiên ''nổi tiếng toàn thế giới'' ấy là nữ binh nhất Lynndie England, 21 tuổi. Tuy nhiên, ả đã phải trả giá cho sự nổi tiếng này: Lynndie bị báo chí nhiều nước mệnh danh là "Mụ phù thủy", hiện cô ta đã bị tạm giam và sẽ phải ra trước vành móng ngựa của Tòa án binh ở Mỹ về tội có hành động ''bôi nhọ danh dự quân đội Mỹ”.

Với cấp bậc binh nhất trong lực lượng quân cảnh, Lynndie England đã được phân làm giám thị trong nhà tù Abu Ghraib, nơi quân đội Mỹ giam giữ 3.800 tù nhân người Iraq. Trong nhiều bức ảnh, người ta thấy cô ta cùng với các đồng nghiệp hành hạ các tù nhân người Iraq.  Lynndie England đã "nổi tiếng'' thông qua các bức ảnh buộc dây vào cổ tù nhân người Iraq hay ảnh cô ta miệng ngậm thuốc chỉ trỏ vào chỗ kín của đám tù nhân Iraq bị lột truồng.

Sau khi vụ việc bị bại lộ, binh nhất Lynndie đã bị điều chuyển về Fort Bragg ở bang North Carolina trong tình trạng đang mang thai. Tại đó, cô ta sẽ bị đưa ra xét xử. Có tin nói, cha của đứa trẻ trong bụng cô ta là một quân nhân Mỹ cũng sẽ bị đưa ra tòa. Thay vì làm đám cưới trong nhà thờ, nữ binh nhất Lynndie sẽ cùng với vị hôn phu của mình đứng trước vành móng ngựa.

Những người thân của Lynndie England nói rằng cô ta là một kẻ ương bướng và thích sống độc lập. Mới 21 tuổi cô ta đã có một đời chồng và đã ly dị. Theo nhật báo New York Times, Lynndie England từng làm việc ở một trại nuôi gà ở Tây Virginia và có nguyện vọng theo học tại một trường đại học, chuyên ngành khí tượng. Báo này dẫn lời mẹ cô nói rằng Lynndie England đã gia nhập lực lượng dự bị để gom tiền theo học đại học.

Lúc đầu, cô này chỉ làm công việc văn thư. Nhiệm vụ chính của cô ta là ngồi ở văn phòng, lấy dấu vân tay của các tù nhân và ghi sổ lưu trữ. Chính cuộc tình với hạ sĩ Charles Graner, 35 tuổi, đã lôi kéo cô vào trong ngục, theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Kỹ thuật R21 bức cung tù nhân

Có nhiều khả năng cho thấy, ''phù thủy" Lynndie đã làm theo mệnh lệnh của cấp trên và đã áp dụng một trong các kỹ thuật thẩm vấn mà các nhân viên mật vụ và lính đặc nhiệm Mỹ thích dùng là kỹ thuật R21 (Resistance to Interrogation). Thực ra, đây là kỹ thuật huấn luyện lực lượng đặc nhiệm Mỹ, Anh chống lại các biện pháp lấy cung của đối phương. Thế nhưng, đám mật vụ và quân cảnh Mỹ lại sử dụng ''những kỹ thuật lấy cung giả định của đối phương, được soạn thảo đến từng chi tiết trong R21 để áp dụng với các tù nhân người Iraq. Họ theo đuổi nguyên tắc: Ngược đãi có hệ thống và hạ thấp nhân phẩm để làm tiêu tan ý chí phản kháng của tù nhân.

Trong một bức thư gửi tờ Washington Post, binh nhất quân cảnh Sabrina Harmlann, cũng là một quân cảnh như Lynndie, tố cáo: "Nhiệm vụ của các quân cảnh là bắt các tù nhân phải thức thâu đêm, đẩy họ xuống địa ngục để buộc họ phải khai báo thành khẩn". Các tù nhân thường bị trùm đầu bằng túi ni lông. Sau đó họ bị lột trần truồng và phải quỳ hoặc đứng nguyên cả tiếng đồng hồ". Sabrina Harmlann nói rằng tại nhà tù Abu Ghraib, cô ta đã hành động theo chỉ thị trực tiếp của cơ quan tình báo quân sự. Chỉ có điều, binh nhất Harmlann cũng từng xuất hiện trong một bức ảnh chụp các tù nhân người Iraq trần truồng, chất đống. Cô này cũng có nguy cơ bị ra tòa án binh.

Tố cáo của binh nhất Harmann trùng hợp với báo cáo dày 53 trang của nhóm điều tra do Thiếu tướng Mỹ Antonio Taguba mà phóng viên Seymour Hersh công bố lần đầu tiên trên tờ New Yorker. Báo cáo này đã vạch trần việc các quân cảnh Mỹ dùng nhiều thủ đoạn tra tấn nhằm bẻ gãy ý chí của các tù nhân. Trong số các biện pháp tra tấn trên có việc dội chất phốt pho lỏng vào tù nhân, dùng dùi cui ''hãm hiếp" tù nhân nữ và đánh tù nhân bằng báng súng.

Có một điều đang ngày càng trở nên rõ ràng là tại nhà tù Abu Ghraib khét tiếng, binh sĩ Mỹ đã áp dụng các biện pháp tra tấn rất thịnh hành ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Không phải ngẫu nhiên mà nhật báo Guardian của Anh lại dẫn lời một viên sĩ quan nói nhiều binh sĩ Mỹ đã và đang đối xử với tù nhân người Iraq ''như thể họ là những kẻ trực tiếp chịu trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001”.

Đức Minh (TT & VH)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]