Cùng lúc, hàng chục ngàn công nhân đến làm việc (hoặc ra ca) trong KCN, đi trên hàng trăm xe ca và hàng ngàn xe gắn máy, làm cho đoạn QL1A phía trước KCN luôn bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Ngoài nút giao thông này, hầu như không còn “điểm đen” nào trên QL1A qua Tiền Giang thường xuyên gây ùn tắc giao thông (UTGT).

Bây giờ ngược lại, nạn kẹt xe trước KCN Tân Hương hầu như không còn, trong khi rất nhiều “điểm nóng” khác trên QL1A qua tiền Giang lại thương xuyên gây UTGT. Gần đây nhất là vụ UTGT kéo dài hơn 5 cây số đoạn qua TX.Cai Lậy vào chiều cuối tuần 18.12. Vì sao có chuyện “đảo chiều” này!

Vẫn là con đường ấy, vẫn hàng chục ngàn công nhân hàng ngày đến làm việc tại KCN Tân Hương, nhưng nạn kẹt xe đã không còn. Đó là kết quả của cách làm khoa học, chứ không phải nhờ vào việc đầu tư xây dựng gì tốn kém. Các doanh nghiệp tổ chức ca sản xuất lệch nhau một chút; lòng và lề đường được giải tỏa trống trải; lực lượng CSGT luôn có mặt để điều phối giao thông vào lúc cao điểm… Đặc biệt, tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp lồng vào nội dung sinh hoạt hướng dẫn, giáo dục người lao động ý thức tôn trọng Luật Giao thông, nhờ đó mà không còn cảnh chen lấn, tranh giành đường đi, thường là nguyên nhân chính gây UTGT.

Trong khi đó, nạn UTGT lại xảy ra thường xuyên ở những nơi khác. Nguyên nhân là do đoạn QL1A qua Tiền Giang đang được thi công sửa chữa, nâng cấp. Thật ra, nếu đơn vị thi công và cơ quan chức năng có cách làm khéo léo, khoa học như ở trước KCN Tân Hương, chuyện UTGT không phải là không khắc phục được. Trong buổi chiều 18.12, hàng ngàn chiếc xe hơi nhích từng chút trên phần đường nhỏ hẹp, trong khi phần đường rộng hơn lại bị rào chắn mà không để làm gì. Có thể đơn vị thi công rào sẵn để ngày hôm sau thi công. Chuyện UTGT nhiều khi do cách làm chứ không hẳn do đường sá chật hẹp!