GS-TS Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hội Thủy khí học VN - đã đưa ra nhận định như vậy sau sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Rông 3. Theo GS Hùng, các nước tiên tiến luôn đặt sinh mệnh con người, môi trường lên trên hết, vì vậy, xem xét mức độ ảnh hưởng của các công trình xây dựng thủy điện mà phân loại lớn hay nhỏ. Các công trình thủy điện đã và đang xây dựng ở miền Trung - Tây Nguyên tuy nhỏ- dưới 30MW, nhưng nếu vỡ sẽ dễ xảy ra sự cố dây chuyền, gây thảm họa cho vùng hạ du.

Riêng với sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Rông 3, GS Hùng cho biết, nó (sự cố) đã làm lộ diện những bất hợp lý điển hình cho loại thủy điện nhỏ này. Đập bêtông đầm lăn giống như một trái dưa hấu. Tường đập ở thượng lưu (vỏ dưa) chỉ là tường chống thấm. Ruột quả dưa (đập đầm lăn) mới là phần chịu lực.

Đập thủy điện Đăk Rông 3 chưa xây xong đập đầm lăn bên trong thì như quả dưa rỗng ruột, không vỡ thì cũng bị lật khi tích nước là điều hiển nhiên. Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Châu Á- KS Lê Viên Mãn cho biết,  nguyên tắc cơ bản xây đập bêtông đầm lăn là phần chịu trọng lực ở phần đập bêtông đầm lăn chứ không phải tường chắn nước. Chưa hoàn tất xây đập thì làm sao có thể liều lĩnh cho tích nước được.

Quy định phân cấp quản lý đối với công trình thủy điện nhỏ về cho địa phương quản lý mà chính quyền không giám sát, kiểm tra được thì ai chịu trách nhiệm? Đó là chưa kể, hiện nay cán bộ chuyên trách thủy điện ở các sở công thương phần lớn là ít kinh nghiệm, thiếu chuyên môn cần thiết để có thể quản lý việc vận hành các NM thủy điện.

Hiện ở miền Trung và Tây Nguyên có gần 50 NM thủy điện nhỏ (công suất 30MW trở xuống) đang xây dựng hoặc đã phát điện. Phần lớn là thủy điện bậc thang, các nhà đầu tư chủ yếu là ngoài ngành điện. Việc xây dựng những công trình thủy điện nhỏ này thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua các đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng đến dân sinh. Ngoài ra, việc quản lý, giám sát thi công quá lỏng lẻo như hiện nay sẽ là điều đáng lo ngại cho vùng hạ du.