Tu sửa thành công giếng Vua 600 năm tuổi

Dân trí Sau hơn 4 tháng nghiên cứu và thi công, đến nay việc giếng Vua ở khu vực Đàn tế Nam Giao (Thanh Hóa) đã hoàn thành. Đây là một hạng mục công trình quan trọng trong kiến trúc đàn tế Nam Giao.

0
Giếng Vua hay còn gọi là giếng Ngự dục được các nhà khảo cổ học phát hiện năm 2009 tại khu vực đàn tế Nam Giao, ở núi Đốn Sơn, cách thành nhà Hồ khoảng 2km. Sau khi phát hiện, các ngành chức năng đã tiến hành đầu tư khôi phục.
 
Theo cuốn Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: "Giao đàn cũ của nhà Hồ ở phía Nam, trên núi Đốn Sơn, thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, dưới đàn có giếng tắm, xây đá làm thành do Hồ Hán Thương xây, di tích vẫn còn".
 
Giếng Vua đã được tu sửa hoàn chỉnh

Giếng có cấu trúc hình vuông, kè bằng đá tạo thành bậc thu nhỏ dần từ trên xuống dưới, tính từ bề mặt giếng xuống đáy có 9 thành bậc. Bậc thành trên cùng của giếng ngự duyên lớn nhất, chiều dài mỗi thành là 13m. Các thành bậc giếng cao trung bình 30cm, rộng 30cm, lòng giếng cấu trúc hình tròn, giếng có độ sâu 5,6m. Cấu trúc thành bậc hình vuông, lòng giếng hình tròn.

Qua hơn 600 năm lịch sử, giếng Vua bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn đá kè thành bậc bị sụt lún, bùn và đất đá vùi lấp lòng giếng. Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành tu sửa giếng Vua trên cơ sở nghiên cứu phục hồi nguyên trạng. Phương án tu sửa được thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống và sử dụng hoàn toàn bằng vật liệu nguyên gốc.

Giếng Vua là một hạng mục công trình quan trọng trong kiến trúc đàn tế Nam Giao - Tây Đô được các nhà khảo cổ phát lộ hoàn toàn kiến trúc của giếng trong đợt khai quật tổng thể đàn tế Nam Giao lần thứ tư (2009 - 2011).

Sau hơn bốn tháng nghiên cứu, thi công từ tháng 9/2010 - 1/2011, công trình tu sửa đã hoàn thành. Với việc hoàn thành tu sửa công trình này là cơ sở khoa học và thực tiễn kinh nghiệm để tiến hành công tác bảo tồn, bảo quản tổng thể di tích đàn tế Nam Giao.

Duy Tuyên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]