Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Landmark 72 (Hà Nội) đóng cửa đã khiến thị trường bán lẻẻ ở phân khúcc cao cấpp Việt Nam nổi sóng. Phải chăng đây là kết quả tất yếu trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, kẻ yếu sẽ bị đào thải? Tương lai các TTTM cao cấp khác có mịt mờ như thế?

Không tạo khác biệt: Dễ chết!

Tình hình vắng khách tại các TTTM lớn như Diamond Plaza, Robins, Parkson Paragon… là điều dễ nhận thấy trong vài năm trở lại đây. Phần lớn khách hàngng đến chỉ để tham quan, vui chơi với các dịch vụ đi kèm như ẩm thực, xem phim…

Mặc dù dịp cuối tuần thường có các chương trình giảm giá đến 50% ở các ngành hàng quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang… song giá vẫn còn khá cao. Một đôi giày giá giảm 50% vẫn còn ở mức hơn 1 triệu đồng/đôi.

Thông tin trên báo chí cho thấy một trong nhiều lý do khiến Parkson Landmark 72 phải đóng cửa vì liên tục thua lỗ.

Theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến, nhìn bề mặt chuyện đóng cửa có vẻ là do sức mua trong vài năm trở lại đây thấp nhưng xét sâu xa lại thấy doanh nghiệp (DN) không có chiến lược phù hợp (về đối tượng, đối tác và đối thủ). Khi kinh doanh đầu tư không phù hợp với thị trường thì dù là DN nước ngoài vốn mạnh và kinh nghiệm nhiều vẫn có thể không thành công.

Dù đã giảm 50% nhưng nhiều mặt hàng ở các TTTM giá còn cao ngất ngưởng. Ảnh: TÚ UYÊN

Cùng quan điểm trên, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng phân khúc bán lẻ cao cấp đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi sức mua giảm. Trước đó nhiều TTTM hướng vào phân khúc cao cấp đã liên tục gặp khó như Tràng Tiền Plaza, Grand Plaza... Các TTTM đã đánh giá sai sức mua của phân khúc khách hàng này. Khi đã sai về chiến lược, thương hiệu gặp khó. Dù có tiềm lực tài chính lớn việc đầu tư vẫn phải đòi hỏi mang lại hiệu quả cao. Khi không thấy có khả năng đạt lợi nhuận, DN sẽ phải có động thái thay đổi, trong đó đóng cửa cũng là một quyết định.

Ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Win Win, cho biết khó khăn về kinh tế không hề ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của giới thật sự giàu có xài hàng hiệu cao cấp. Tuy nhiên, Parkson Landmark 72 lại hướng đến nhóm đối tượng thấp hơn, do đó khi kinh tế đi xuống, chi tiêu của họ bị ảnh hưởng và Parkson Landmark 72 cũng bị khó khăn. Ngoài ra, nhiều trung tâm xuất hiện dẫn đến cạnh tranh gay gắt trong khi Parkson Landmark 72 không tạo khác biệt để thu hút khách hàng.

Thêm nữa, giảm giá để tăng sức mua là con dao hai lưỡi. Giảm giá sẽ tạo cho khách hàng thói quen chờ khuyến mãi mới mua. Ở Parkson Landmark 72 thường xuất hiện tình trạng này, khuyến mãi giảm giá khách đến nhưng mua chỉ vài món. Khi thu không đủ chi, khách không nhiều không thể cạnh tranh với những TTTM khác.

Sống khỏe nếu có chiến lược tiếp thị đúng

Các DN bán lẻ khi đầu tư vào Việt Nam đều nghĩ rằng đây là thị trường tiềm năng vì dân số trẻ, có tốc độ phát triển nhanh trong lĩnh vực bán lẻ... Theo ông Chiến, Việt Nam xấp xỉ 94 triệu dân, lực lượng trẻ, văn hóa tiêu dùng ngày càng cao… là các yếu tố quan trọng và tiềm năng cho ngành bán lẻ. Việc Parkson Landmark 72 đóng cửa và có thể có thêm một số công ty, tổ chức không (hay chưa) thành công là do mất cân đối tài chính kéo dài mà sâu xa chính là thiếu chiến lược và giải pháp phù hợp.

Ngược lại, ông Hoàng Tùng phân tích những thương hiệu bán lẻ khi đầu tư vào một quốc gia luôn nhìn ở thị trường hiện tại và tương lai. Thị trường tương lai quyết định chính ở yếu tố tiềm năng phát triển của quốc gia đó ở ngưỡng đang phát triển hay đã phát triển? Tuổi dân số càng trẻ, khả năng thay đổi hành vi mua hàng càng cao và thị trường xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh hay chưa? Theo những yếu tố đó thì lượng dân cư có khả năng mua sắm ở phân khúc cao cấp tăng trưởng chưa đủ để đáp ứng so với số lượng TTTM bán hàng xa xỉ mọc ra liên tục.

Mặt khác, trong khi nhà bán lẻ cao cấp gặp khó thì nhà bán lẻ bình dân như Big C, Saigon Co.opmart... vẫn hoạt động tốt. Điều đó cho thấy DN khi đầu tư phải lựa chọn phân khúc khách hàng cẩn thận. Trong thời gian tới, nếu những TTTM ở phân khúc hạng sang không có những chiến lược tiếp thị tốt để đẩy mạnh sức mua thì sẽ tiếp tục gặp khó. Còn phân khúc khách hàng bình dân do đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cho biết việc đóng cửa Parkson Landmark 72 không đại diện cho ngành bán lẻ Việt Nam trong tương lai. Song đó là bài học cảnh báo: Kinh tế thị trường khốc liệt, dù DN mạnh nhưng chiến lược dở sẽ chết.

Nguồn cung tăng

Theo Công ty Tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, trong quý IV-2014 có năm siêu thị và một TTTM mới (ở TP.HCM). Trong các nguồn cung gồm siêu thị, trung tâm bán sỉ, trung tâm bách hóa, trung tâm mua sắm... công suất cho thuê của trung tâm bách hóa đạt 97%, trung tâm mua sắm đạt 91%. Các loại hình bán lẻ đều có giá cho thuê ổn định theo quý. Giá thuê của khu vực trung tâm mua sắm tăng nhẹ khoảng 2% theo năm, trong khi khối để bán lẻ có mức giảm -15% theo năm…

163 là số TTTM sẽ mở ở ngoại thành, theo quy hoạch định hướng phát triển chợ-siêu thị-TTTM của TP.HCM. Giai đoạn 2009-2015 có 177 siêu thị, 163 TTTM. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ mở thêm 43 siêu thị và 92 TTTM ở ngoại thành. Theo thống kê chưa đầy đủ hiện ở TP.HCM có 82 siêu thị, 25 TTTM.

TÚ UYÊN

Video đang được xem nhiều