Bệnh giảm áp: Nguy cơ, phòng và trị

Do tính chất công việc, các thợ lặn hoạt động trong các ngành nghề xây dựng, cứu hộ, dầu khí, quốc phòng đặc biệt trong đánh bắt hải sản phải ngâm mình hàng giờ dưới nước.

15.5995



Nguy cơ đối diện với bệnh giảm áp là điều khó tránh khỏi, bất kể là người mới hay người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề.

Qua đề tài nghiên cứu khoa học tại một cụm đảo của quần đảo Trường Sa, cứ 33 người thì có 6 người mắc phải bệnh giảm áp. Thế nhưng, điều đáng nói là ngư dân không được điều trị đúng nên dẫn tới bị liệt hoặc tử vong.
Do tính chất công việc, các thợ lặn hoạt động trong các ngành nghề xây dựng, cứu hộ, dầu khí, quốc phòng đặc biệt trong đánh bắt hải sản phải ngâm mình hàng giờ dưới nước.  
Để hiểu rõ hơn về bệnh giảm áp, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Bác sĩ Đỗ Văn Dũng, hiện là Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y Tế công cộng Đại học Y Dược TP.HCM.

-Thưa bác sĩ, nguyên nhân bệnh giảm áp là từ đâu và có những triệu chứng như thế nào?

Bệnh giảm áp hay còn gọi là bệnh của thợ lặn  là tổn thương gây ra do các bọt khí hình thành trong mạch máu và dịch trong cơ thể khi có sự giảm áp suất xung quanh đột ngột. ,

Bệnh này được gọi là bệnh của thợ lặn do xảy ra trong trường hợp người thợ lặn lặn xuống quá sâu và chịu áp lực cao ở đó và ngoi lên quá nhanh gây ra sự giảm đột ngột của áp suất chung quanh.

Hậu quả của việc ngoi lên nhanh có thể hình thành các bóng khí ở da, khớp, tủy sống hoặc trong các động mạch gây tổn thương các cơ quan… Trong bệnh giảm áp, bọt khí hình thành nhiều ở vùng nào sẽ gây tổn thương vùng đó và có biểu hiện lâm sàng tương ứng.

Bệnh có biểu hiện đặc thù là ngứa da khắp người và đau khớp ngay sau khi lên bờ. Đi kèm với ngứa da là các ban xuất huyết trên da nổi vằn tím đỏ rất điển hình và dễ phát hiện.

Khớp đau thường là đau ở khớp cổ tay, khuỷu, vai, , háng,  đầu gối, cổ chân làm suy giảm vận động. Sự đau khớp nhiều khi là quá mức gây ra căng thẳng, lo âu và mất ngủ cho người bệnh.

Trong những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân sẽ có triệu chứng tiểu không tự chủ, liệt tay, chân, khó thở, tức ngực nhiều hoặc có thể bị chảy máu phổi, nhồi máu cơ tim. Bệnh này nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong hoặc bị tàn phế suốt đời.

- Theo bác sĩ, bệnh giảm áp sẽ được chữa trị như thế nào?

Phương pháp điều trị bệnh giảm áp được áp dụng dựa trên cơ chế của nguyên nhân gây bệnh, tức là chúng ta sẽ phải làm tan bọt khí trở lại và giải phóng từ lượng khí dư đó ra ngoài đường phổi bằng cách nhanh chóng đưa bệnh nhân trở về môi trường áp suất cao. Thuốc và các phương pháp khác không làm tan được bọt khí, đặc biệt là các bọt khí lớn.

Trên thực tế, ngư dân khi mắc chứng giảm áp phần lớn tự chữa bằng cách đưa xuống độ sâu như lúc ban đầu đã lặn rồi lại đưa lên mặt nước để giúp người gặp nạn tăng áp trở lại.

Biện pháp này đã áp dụng đúng nguyên tắc chữa trị bệnh giảm áp. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời và có thể áp dụng cho trường hợp bị nhẹ. Những trường hợp nặng hơn sẽ không có tác dụng do bọt khí quá nhiều gây ách tắc và tổn thương toàn bộ các mạch máu.

- Đối với các bệnh nhân bị bệnh giảm áp nặng thì có biện pháp nào điều trị không?

Hiện nay, bệnh nhân bị bệnh giảm áp nặng có thể được chữa trị thông qua phương pháp đặc hiệu bằng oxy cao áp. Bên cạnh đó, cần phải kết hợp với các thuốc nội khoa và tập vật lí trị liệu để phục hồi chức năng của các bộ phân cơ thể bị tổn thương.

Đối với các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng, biểu hiện giảm áp nặng, sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu, cần nhanh chóng đưa ngay đến bệnh viện càng nhanh càng tốt thì giúp cho việc cứu chữa đạt hiệu quả tốt hơn.

-  Xin bác sỹ tư vấn thêm cách phòng ngừa bệnh giảm áp?

Để đề phòng những tai biến có thể xảy ra, các thợ lặn nên được uống nước đầy đủ, tránh khát nước, nên hít thở sâu 3 phút trước khi lặn và không được lặn quá sâu (trên 12m độ sâu) và khi ngoi lên tuyệt đối phải tuân thủ đúng quy trình. Khi xuống nước, thợ lặn phải được trang bị kỹ thuật bảo hộ đầy đủ và phải được tập huấn kỹ năng xử lý khi có sự cố dẫn đến giảm áp xảy ra.

Nếu gặp các trường hợp bị biến áp, việc đầu tiên là phải sơ cứu, cởi bỏ toàn bộ trang bị lặn cho người bệnh dễ thở, đặt người bệnh nằm ngửa trên nền cứng, duy trì tốt huyết áp và lưu lượng máu cho não bộ. Cho bệnh nhân nằm tư thế nghiêng 3 phần 4 nếu người bệnh có biểu hiện lơ mơ hoặc đau đầu.

Tuyệt đối không truyền đạm hay bất cứ một dung dịch dinh dưỡng nào ngoài dịch muối đẳng trương. Sau khi sơ cứu xong phải nhanh chóng chuyển người bệnh tới bệnh viện hoặc trung tâm ôxy cao áp. Nếu được sơ cứu và vận chuyển càng nhanh càng tốt, người bệnh hoàn toàn có khả năng phục hồi hoàn toàn.

Xin cám ơn bác sỹ đã chia sẻ.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.



Lam Dung
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]