Bổ sung vitamin đúng cách

15.5921

Tiến sĩ – bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM nhấn mạnh, việc tự ý bổ sung vitamin không có ý kiến chuyên gia có thể gây nhiều tác dụng không mong muốn.

Chẳng hạn với các vitamin tan trong dầu, nếu bổ sung quá liều sẽ gây ngộ độc, các vitamin tan trong nước nếu bổ sung không hợp lý sẽ lãng phí.

Ảnh: Internet

Vitamin C

Đây là vitamin có tác dụng rất tốt cho răng, nướu, xương và mạch máu. Vitamin này cũng giúp làm lành vết thương, mô sẹo và hạn chế gãy xương; tăng cường hệ miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng, giải độc cho cơ thể thoát khỏi các chất ô nhiễm, bảo vệ cơ thể ngừa ung thư và tim mạch.

Thiếu vitamin C thường dễ bị cảm lạnh, hay chảy máu nướu răng, đau khớp, da khô và dễ bầm, ứ dịch.

Vitamin này có nhiều trong các loại rau và trái cây tươi như cam, thơm, dâu, chanh, kiwi, ớt ngọt, bông cải xanh, bưởi, cà chua…

Nhu cầu vitamin C mỗi ngày của trẻ dưới 6 tuổi cần: 25-30mg; 7-9 tuổi: 35mg; trên 9 tuổi và người trưởng thành: 65-70mg; phụ nữ có thai: 80mg; bà mẹ đang cho con bú: 95mg.

Vitamin D

Vitamin này còn được gọi là sinh tố ánh nắng. Nó có tác dụng đảm bảo nồng độ canxi và phospho trong máu, bảo vệ xương và ngăn ngừa còi xương, loãng xương.

Thiếu vitamin D khiến cơ thể có những biểu hiện đau khớp, nhức lưng, hư răng, chuột rút, rụng tóc…

Vitamin D có trong cá trích, cá thu, cá hồi, dầu gan cá.

Nhu cầu cần thiết của cơ thể trong một ngày: nhỏ hơn 50 tuổi: 5mcg; >50-60 tuổi: 10mcg; trên 60 tuổi: 15mcg.

Vitamin E

Giúp cơ thể chống lại quá trình oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi bị tổn hại, gồm cả việc ngăn ngừa ung thư. Giúp con người sử dụng oxy, ngăn máu đông và chứng huyết khối, làm vết thương mau lành, tăng cường khả năng sinh sản, bảo vệ tim và hệ tim mạch.

Thiếu vitamin E gây các rối loạn về thần kinh (cơ yếu, rối loạn cảm giác, khứu giác), bệnh võng mạc, giảm hoạt động miễn dịch.

Mỗi ngày, nhu cầu vitamin E của cơ thể trẻ dưới 1 tuổi: 3-4mg; 1-3 tuổi: 5mg; 4-12 tuổi: 6-12mg; trên12 tuổi và người trưởng thành: 13mg; phụ nữ đang mang thai: 12mg; bà mẹ đang cho con bú: 18mg.

Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật, các loại đậu, các loại hạt hướng dương, mè, đậu phộng…

Vitamin H

Đây là loại vitamin đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ, còn gọi là biotin. Vitamin H giúp cơ thể sử dụng được các chất béo cần thiết, tăng cường sức khỏe cho làn da, tốt cho tóc, móng, tuyến mồ hôi và các dây thần kinh, tủy xương, giảm đau cơ…

Thiếu vitamin H, cơ thể xuất hiện những dấu hiệu như da khô, tóc yếu, tóc bạc sớm, đau cơ, ăn không thấy ngon, rối loạn cảm xúc, chàm hay đỏ da, cholesterol cao.

Trong nhu cầu vitamin H hàng ngày, trẻ dưới 1 tuổi cần 5-6mcg; 1-3 tuổi:8mcg; 4-9 tuổi: 12-20mcg; trên 9 tuổi và người trưởng thành: 25-30mcg; phụ nữ có thai: 30mcg; bà mẹ đang cho con bú: 35mcg.

Vitamin K

Đây là loại vitamin có tác dụng kiểm soát sự đông máu của cơ thể.

Thiếu vitamin K, cơ thể giảm khả năng đông máu (như chảy máu nướu răng, mũi, ruột và đường tiết niệu, từ vết thương, xuất huyết não…), nguy cơ xuất huyết ở trẻ sơ sinh.

Nhu cầu vitamin K hàng ngày của cơ thể trẻ dưới 1 tuổi: 5-10mcg; 1-3 tuổi: 15mcg; 4-9 tuổi: 20-25mcg; trên 9 tuổi và người trưởng thành: 35-65mcg; phụ nữ có thai và cho con bú: 55mcg.

Vitamin K có nhiều trong gan, dầu đậu nành, dầu thực vật, rau lá xanh, lúa mì, súp lơ, rau diếp cá, các loại đậu, bông cải, khoai tây, cà chua, sữa.

Cuối cùng, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, dù nhu cầu mỗi loại vitamin của cơ thể khác nhau, nhưng  mọi người không thể tự ý bổ sung các loại vitamin này. Do chúng ta vẫn chưa xác định hàm lượng vitamin được hấp thu qua thực phẩm mỗi ngày. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế khi có nhu cầu bổ sung các vitamin thông qua dạng viên uống.

BACSI.com (Theo PNO)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]