Cách dùng rắn làm thuốc

Rắn với nhiều bộ phận được dùng làm thuốc: Thịt rắn, mật rắn, nọc rắn (đặc biệt nọc rắn của họ rắn hổ), xác rắn lột (xà thoái), mỡ rắn...

15.5958

Tác dụng của những bộ phận trên con rắn

Theo báo Quân đội nhân dân, rắn là một dược liệu quý, được sử dụng làm thuốc từ lâu. Nhìn từ góc độ y học cổ truyền, mỗi bộ phận trên con rắn đều được sử dụng để chữa bệnh.

1. Thịt rắn:

Các công trình nghiên cứu về thịt rắn đã công bố cho thấy, trong thịt rắn cạn có chứa các chất protit và axit amin, trong đó có nhiều axit amin rất cần thiết cho cơ thể như lycin, leucin, arginin, valin; thịt rắn biển về cơ bản cũng giống thịt rắn cạn. Thịt rắn không những là một vị thuốc bổ dưỡng mà còn chữa được nhiều chứng bệnh thần kinh đau nhức, bất toại, các cơn co giật...

- Công dụng: khu phong, hoạt lạc, sát trùng, giảm ngứa.

- Chủ trị: phong thấp, vết loét lâu lành.

2. Da rắn:

Da rắn được tách ra khi giết rắn. Dùng tươi hoặc sấy khô.

- Công dụng: sát trùng, sạch vết thương.

- Chủ trị: vết loét lâu lành, đau răng.

3. Mật rắn:

Túi mật rắn to bằng hạt ngô, mật rắn là chất lỏng sánh, không đắng như mật của các loài động vật khác, khi nếm lúc đầu chỉ thấy hơi đắng, sau có vị ngọt, mùi thơm. Mật rắn có nhiều axit mật (cholic, ursodesoxycholic, glycocholic, hydrosodesoxycholic, β-fokecholic) và các chất cholesterin, taurin, axit palmitic, axit stearic...

Mật rắn dùng tươi hoặc sấy khô, cũng có thể buộc chặt đầu ống túi mật đem treo ở chỗ thoáng mát cho khô tự nhiên rồi ngâm với rượu (gọi là xà đởm tửu) hoặc tẩm vào vỏ quýt già đã phơi sấy khô (gọi là xà đởm trần bì).

- Công dụng: sát trùng trừ cam tích, sáng mắt trừ mộng, tiêu sưng giảm đau. Do rắn là loại động vật chỉ ăn thức ăn có nguồn gốc động vật, có những loại rất độc như cóc nên người ta cho rằng mật rắn có tác dụng tiêu viêm, trừ thấp rất mạnh.

4. Máu rắn:

Máu rắn được lấy khi giết rắn.

- Công dụng: khu phong, trừ thấp.

- Chủ trị: đau xương khớp do phong thấp, đau lưng, chân tay tê bì.

5. Xác rắn lột:

Thu hoạch xác rắn trong mùa rắn lột xác (nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm), rửa sạch, phơi khô và bảo quản nơi khô ráo. Trong xác rắn có các chất kẽm oxyd, titan oxyd, một số loài rắn có flavonoid.

- Tính vị: tính bình, vị ngọt mặn, hơi tanh.

- Công dụng: khu phong, an thần, trừ mộng thịt ở mắt, giảm ngứa. Xác rắn lột còn có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, giải độc.

6. Nọc rắn:

Những nghiên cứu hiện nay cho thấy nọc rắn có tác dụng đến hệ thống đông máu, tác động đến tim, gan, thận, hệ thống thần kinh… Nọc rắn có tác dụng kháng viêm, ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch…

- Công dụng: hoạt huyết, thông lạc.

7. Mỡ rắn:

Lấy mỡ rắn bằng cách mổ bụng rắn, tách các phiến mỡ màu trắng ngà ở xung quanh ống tiêu hóa. Rán nhỏ lửa cho mỡ chảy ra hết, để nguội rồi rót vào chai, lọ tối màu, đậy nắp kín, bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng.

Dùng mỡ rắn bôi xoa nhiều lần lên vết bỏng, chỗ đầu bị chốc có tác dụng nhanh lên da non.

Món ăn bài thuốc từ con rắn

- Thịt rắn nướng: Thịt rắn hổ (Bạch hoa xà nhục) đã lột da bỏ ruột thái lát để sẵn. Chảo đất nung đặt trên bếp tro nóng đỏ, vẩy ít nước dấm, cho thịt rắn vào nướng, đậy kín, đảo các lát thịt 3-5 lần cho chín. Chấm với nước chấm và gia vị khi ăn. Dùng cho các trường hợp bại liệt, lở ngứa nổi ban dị ứng - Sức khỏe & đời sống cho biết.

- Chả rắn xương sông lá lốt: Rắn 1-2 con. Lột da bỏ ruột, băm nhỏ với xương sông, lá lốt, thêm muối mắm gia vị, nặn thành viên, rán chín. Dùng cho các trường hợp đau nhức xương khớp, lở ngứa, ban chấn dị ứng. Tuần ăn 2-3 lần.

- Cháo rắn: Rắn 1 con, gạo tẻ 150g. Lột da bỏ ruột, chặt bỏ đầu, chặt thành đoạn, nấu với gạo tẻ thành cháo, thêm gia vị, rau thơm, tiêu ớt. Dùng cho các trường hợp bại liệt, đau nhức chi thể, kinh giật, lở ngứa. Tuần ăn 1-2 lần.

- Thịt rắn hầm rễ tiêu: Thịt rắn 250g, rễ cây hạt tiêu 50g, Rắn bỏ đầu ruột, làm sạch chặt miếng; rễ cây hạt tiêu rửa sạch cắt đoạn, thêm gừng, hành, dấm, gia vị, nước lượng thích hợp. Đun to lửa cho sôi, đun nhỏ lửa cho chín nhừ. Chia ăn 2-3 lần trong ngày. Dùng cho các trường hợp viêm sưng khớp, lở ngứa, bại liệt.

Trà Mi

Nên đọc

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]