Cách xoa bóp đầu giảm stress

Những căng thẳng trong cuộc sống, công việc dễ khiến mọi người có cảm giác “điên đầu” thường xuyên. Kiểm soát hơi thở kết hợp day ấn một số huyệt vị có thể giúp thư giãn, giảm stress và an thần. Nhờ đó, giảm được những nguy cơ xấu cho hệ thần kinh và sức khỏe.

15.6074

Vuốt ấm vành tai: dùng ngón tay trỏ và ngón cái vuốt dọc vành tai cùng bên từ trên xuống dưới. Vuốt chậm và nhẹ khoảng 21 lần, cho hai vành tai ấm lên. Tác động này giúp tái lập cân bằng bên trong cơ thể, điều hoà thần kinh, thư giãn toàn thân, khí huyết lưu thông.

Vuốt dọc xương chân mày: dùng hai ngón tay trỏ và giữa vuốt từ đầu chân mày, dọc theo xương chân mày ra đến chân tóc phía ngoài đuôi mắt. Vuốt chậm và nhẹ khoảng 21 lần. Động tác này tạo thư giãn cơ bắp giữa vùng cánh tay và bàn tay. Hai bàn tay có những huyệt vị quan trọng liên quan đến nhiều bộ phận cơ thể nên nếu được thư giãn, toàn thân cũng sẽ dễ chịu.

Vuốt dọc hai bên mũi: dùng ngón trỏ vuốt lần lượt mỗi bên mũi, rồi dùng hai bàn tay vuốt cùng lúc hai bên. Vuốt dọc từ điểm giữa hai chân mày, dài theo hai bên thân mũi, qua khoé miệng đến tận góc cằm. Vuốt chậm và nhẹ khoảng 21 lần. Động tác này giúp khí huyết lưu thông ra ngoài, làm gia tăng tác dụng thư giãn.

Day ấn huyệt ấn đường: dùng ngón trỏ của bàn tay phải ấn nhẹ vào điểm giữa hai chân mày, phía trên sống mũi trong vài giây, day thành vòng tròn chung quanh điểm này khoảng 21 vòng. Khi tác động vào huyệt ấn đường, cơ thể sẽ tiết ra chất endorphine nội sinh, có tác dụng giảm đau, an thần.

Kích thích vùng sau đầu: đặt nguyên hai bàn tay vào hai vùng gáy ở sau đầu, sát cạnh phía sau tai. Vuốt nhẹ từ trên xuống dưới phía sau hai vành tai. Vuốt khoảng 21 lần. Động tác này có tác dụng điều trị thần kinh suy nhược và làm đầu óc nhẹ nhõm.

Quan sát hơi thở: sau khi thực hành năm động tác trên (mỗi động tác kéo dài khoảng năm hoặc sáu phút), ngồi thoải mái trên một cái ghế có chỗ tựa lưng, hai tay đặt nhẹ trên đùi hoặc nằm xuống nghỉ ở một nơi yên tĩnh, thoáng mát. Trong thời gian này, quan sát hơi thở bằng cách tập trung tư tưởng ở vùng bụng dưới, hoặc tại vùng đan điền (dưới rốn khoảng ba phân). Lúc hít vào, bụng dưới hơi phồng lên. Lúc thở ra, bụng dưới hơi xẹp xuống. Nên nhớ là chúng ta cần thư giãn, vì vậy không cần quan tâm đến hơi thở sâu hay cạn, nhiều hơi hay ít hơi. Chỉ cần thở nhẹ, thở bình thường là đủ. Điều quan trọng là phải quan sát để biết rõ ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động phồng lên hay xẹp xuống của làn da bụng. Động tác này có thể thực hành trong một buổi tập cùng năm động tác trên, cũng có thể tập riêng lẻ, tuỳ theo ý thích và điều kiện thời gian của mỗi người.

Chậm, nhẹ và tập trung tâm ý vào từng động tác là điều cần thiết để phương pháp đạt được hiệu quả. Chú tâm quan sát sự lên xuống của da bụng để cảm giác âu lo hoặc căng thẳng mất đi. Việc chú tâm này còn giúp tạo nên quán tính thở sâu của cơ thể, rất hữu ích cho dưỡng sinh, tăng cường sức khoẻ về lâu dài.

Theo Lương y Võ Hà
Sài gòn tiếp thị
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]