Cơ quan chức năng phải vào cuộc

Thời gian gần đây, vấn đề thịt lợn tồn dư chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi - thường gọi là “thịt lợn siêu nạc” - đang là mối quan tâm của người tiêu dùng (NTD). Theo một số thông tin, nhiều cơ sở chăn nuôi đã trộn thêm chất tăng trọng bị cấm trong chăn nuôi lợn, có nguồn gốc xuất xứ từ TQ. NTD khi ăn thịt lợn được nuôi bằng thức ăn có trộn thuốc tăng trọng sẽ bị nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, thậm chí còn làm nhịp tim đập nhanh, tăng - hạ huyết áp, gây rối loạn tiêu hóa, dùng lâu sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Từ năm 2002, Bộ NNPTNT đã cấm sử dụng, tuy nhiên do các chất trên có tác dụng thúc lợn mau lớn và giá bán cao hơn, nên nạn buôn bán và sử dụng lén lút vẫn diễn ra.

Tại cuộc hội thảo, đại diện Hội Tiêu chuẩn bảo vệ NTD - ông Nguyễn Mạnh Hùng - cho biết: Tất cả các chất độc luật pháp VN đã cấm sử dụng mà người chăn nuôi bổ sung vào thức ăn kích thích tăng trọng và nâng tỉ lệ nạc cao và sản phẩm có chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là vi phạm. Biện pháp mạnh nhất vẫn là quyền của người tiêu dùng, nếu làm ăn gian dối sẽ bị tẩy chay.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng sớm đưa ra những cách phân biệt dạng cảm quan giúp người tiêu dùng nhận biết những sản phẩm độc hại và ủng hộ những người chăn nuôi chân chính. Vì hiện nay giá thịt lợn đang sụt giảm,  sản phẩm không bán được. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, không được hoang mang. Cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ để những người chăn nuôi chân chính và người tiêu dùng không bị ảnh hưởng. Cần phải giám định và phản biện để bảo vệ quyền được đảm bảo an toàn của NTD.

Phải truy nguyên tận gốc vấn đề


Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng thì phải giải quyết tận gốc, đó là từ người chăn nuôi, vì nếu sản phẩm ra thị trường thì cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát, huống chi là người tiêu dùng. Nếu người chăn nuôi mà sử dụng hóa chất tồn dư như vậy thì sẽ bị tẩy chay; nhưng trước hết cũng cần phải nói rằng không phải người chăn nuôi nào cũng sử dụng hóa chất, do vậy ngay trong Hiệp hội Chăn nuôi phải có biện pháp quản lý trước khi cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp can thiệp. Phải truy nguyên tận gốc vấn đề. Đã là chất cấm dù nhiều hay ít cũng phải cấm, vì nó không có lợi cho sức khỏe. Còn như thế nào là đủ thì cơ quan chức năng phải đưa ra con số cụ thể.

Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - thành viên Hội đồng Khoa học quốc gia - thì để tạo ra thịt nạc có rất nhiều phương pháp, quan trọng nhất là giống, giống hấp thụ thức ăn tự tạo ra nạc. Đồng thời, người ta cũng đưa vào thức ăn một số thực phẩm tạo nạc như cá, đậu tương...

Đây là phương pháp chung của toàn thế giới. Ngoài ra, có thể đưa vào các chất kích thích Salbutamol, nhưng khoảng 2 tuần cuối người ta không cho ăn và tuần cuối cùng người ta sẽ không cho lợn ăn gì, vì vậy thịt không còn chứa chất kích thích hỗ trợ tạo ra nạc. Nhưng ở VN, chúng ta cho ăn đến ngày cuối cùng, thậm chí ngày cuối cùng còn cho ăn nhiều hơn, do vậy không có lợi cho sức khỏe con người. Cần thay đổi phương pháp chăn nuôi và chọn lọc giống tốt, đồng thời nâng cao nghiên cứu khoa học, vệ sinh thú y, các loại vitamin và khoáng phải được nâng cao. Phải tăng cường sự giúp đỡ người chăn nuôi như con giống, vốn, thuế và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.