Chế độ dinh dưỡng cho người bị suy tủy

Do bệnh suy tủy thường dẫn đến thiếu máu nghiêm trọng, gây sốt nhiễm trùng cho nên trong chế độ dinh dưỡng cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính.

15.6298

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, suy tủy là tình trạng thiếu máu do tủy xương không còn khả năng sản sinh tế bào máu, ngoài thiếu máu có kèm theo giảm bạch cầu , tiểu cầu.

Người bệnh suy tủy thường có biểu hiện thiếu máu từ từ cho đến khi mức độ thiếu máu nặng thì thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đánh trống ngực khi gắng sức. Nhiều khi phát hiện bệnh bắt đầu bằng dấu hiệu xuất huyết, bầm tím, chảy máu chân răng, mũi, miệng… hoặc đôi khi có biểu hiện sốt nhiễm khuẩn do bạch cầu giảm.

Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng một số đã được biết đến như: Các loại hóa chất gây độc mạn tính hoặc cấp tính cho tủy xương như benzen, kim loại nặng, các thuốc trừ sâu…; các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm virut như viêm gan B, Herpes…; các yếu tố phóng xạ… Trong nhiều trường hợp, rất khó tìm nguyên nhân

Bệnh nhân suy tủy ăn uống như thế nào?

Chia sẻ trên Báo điện tử Kiến thức, bác sĩ Lê Thị Hải viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho hay, do bệnh suy tủy thường dẫn đến thiếu máu nghiêm trọng, gây sốt nhiễm trùng cho nên trong chế độ dinh dưỡng cần bổ sung 4 nhóm thực phẩm chính là:

- Thực phẩm giàu protein: Protein có vai trò trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các mối nguy hại luôn rình rập xung quanh như các loại vi khuẩn, vi-rút, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Bệnh nhân bị suy tủy nên tích cực bổ dung các loại thực phẩm như: Đậu phụ, sữa đậu nành, thịt nạc, nội tạng động vật, trứng, cá…

- Tăng cường các loại thực phẩm giàu chất sắt : Bệnh suy tủy có biểu hiện chính là bị thiếu máu, chính vì vậy, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt sẽ rất tốt cho sức khỏe của người bệnh . Chất sắt có nhiều trong gan động vật (gan ngỗng, gan lợn rất tốt), lòng đỏ trứng, đậu Hà Lan, đậu đen…

Chế độ dinh dưỡng cho người bị suy tủy

- Bác sĩ Hải cũng nhấn mạnh bệnh nhân suy tủy cần bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C. Các nghiên cứu y tế nước ngoài đã chỉ ra rằng, vitamin C có thể nâng cao sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể.

Đặc biệt vitamin C còn giúp chống mất máu cục bộ, bệnh nhân cần bổ sung thông qua các loại rau và trái cây như cam, xoài, đu đủ, cà chua, súp lơ xanh…, bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vitamin A có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập vào cơ thể yếu ớt của bệnh nhân bị suy tủy. Các thực phẩm chứa nhiều vitamin A có thể kể đến như: Cà rốt, bí đỏ, rau bina, trứng gà, vịt…

- Các chất chống oxy hóa như Vitamin E, kẽm, vitamin D, B6, B12... hỗ trợ khả năng miễn dịch của cơ thể, làm giảm tác dụng phụ của các đợt điều trị bệnh, có nhiều trong măng tây, thịt gà, quả hạnh nhân, cải xoong…

Theo lời khuyên của phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm (Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia), chế độ ăn cho người bị suy tủy nên chế biến đa dạng các thực đơn, chủ yếu là các thức ăn ở dạng lỏng như canh hầm, cháo, súp… để người bệnh dễ tiêu hóa, cảm thấy ngon miệng hơn.

Người bị suy tủy nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày vừa để người bệnh dễ tiêu hóa vừa giúp cung cấp đầy đủ năng lượng và những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, Tiến sĩ Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra Tiến sĩ Lâm cũng khuyên người bệnh nên kiêng các loại thực phẩm sau:

- Nên hạn chế sử dụng đậu xanh, tỏi sống, hành tươi và một số gia vị khác như: Hạt tiêu, ớt… Những loại thực phẩm này sẽ cản trở quá trình điều trị bệnh, làm giảm khả năng hiệu quả của các loại thuốc.

- Không được uống trà xanh, bia rượu, hút thuốc lá.

- Hạn chế các chất phụ gia cho vào thực phẩm, chọn lựa những thực phẩm tươi sống, không chứa các chất bảo quản, phụ gia độc hại.

- Không nên để bệnh nhân ăn thức ăn quá nóng, nên để ở nhiệt độ vừa phải.

Thùy Linh

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]