Đức Khuê: 'Tôi thấy áp lực khi bị gọi là người nổi tiếng'

"Như thế nào là nổi tiếng, nổi tiếng để làm gì, xét cho cùng nó cũng là một khái niệm trừu tượng và mơ hồ. Sự nghiệp phát triển theo đồ thị hình sin, ai rồi cũng phải xuống phía bên kia của con dốc. Tôi cảm thấy áp lực khi bị ghép vào khung người nổi tiếng", gương mặt nổi tiếng của "Gala Cười" tâm sự.

0

- Nhà hát Tuổi Trẻ hiện trong thời gian sửa chữa, vậy những ngày qua, anh diễn ở đâu?

- Tôi đang tập vở Nhà có ba chị em gái của tác giả Thu Phương, đạo diễn Xuân Huyền ở tít tận Cầu Giấy. Vở dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào 25/7 ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhà hát sửa đến cuối năm mới xong. Cũng tốt, đang mùa Euro, giải đấu đỉnh cao 4 năm mới có một lần, không xem cũng dở. Nhiều đêm dõi theo trái bóng đến mờ mắt, may mà vợ cưng, luôn chuẩn bị sẵn đồ ăn để tôi "chiến đấu" cùng các cầu thủ.

- Vợ làm cùng nhà hát, anh có những thuận lợi gì?

- Thuận lợi thì nhiều, nhưng sướng nhất là được thông cảm, đi đâu không phải khai báo. Ngoài ra, tôi tự nhiên có được một khán giả trung thành và khó tính. Từ thuở mới yêu đến giờ, nàng luôn đóng vai nhà phê bình, mà chủ yếu là chê thật lực, vì thế mà tôi mới gắng sức phấn đấu. Nhưng điều tôi thấy may mắn nhất là nàng sinh cho mình một hoàng tử và một nàng công chúa, ngộ lắm.

- Anh làm thế nào mà đánh đổ được một cô vợ lý tưởng như thế?

- Thì thánh nhân đãi kẻ khù khờ thôi mà. Chẳng cần đặt vấn đề, giải quyết vấn đề gì hết, mọi việc vẫn trôi tuồn tuột. Nhiều người hỏi sao lấy vợ sớm thế, tôi chỉ bảo, thì do nhu cầu đòi hỏi, gã độc thân là tôi đây không thể cưỡng lại được. Đùa thế thôi chứ tôi nghĩ mình cũng thuộc tuýp người thiên về gia đình.

- Từng học Đại học Thương mại nhưng lại rẽ sang làm nghệ thuật. Anh có hối tiếc về điều đó?

- Nhiều lúc cũng cảm thấy buồn vì khán giả vẫn chưa mặn mà với nghệ thuật kịch. Những vở được đầu tư lớn như Con cáo và chùm nho, giới phê bình đánh giá cao, nhưng số lượng người xem chưa đông. Dù vậy, tôi không hối tiếc vì cảm thấy con người mình được tự do, phóng khoáng. Môi trường kinh doanh cũng khắc nghiệt lắm. Nhìn bạn bè mình nhiều người gia đình không được êm ấm, cũng chặc lưỡi tự hài lòng với cuộc sống của mình.

Nhà hát Tuổi Trẻ mỗi khi có vở lớn, vai chính đều thuộc về dàn diễn viên Chí Trung, Lê Khanh, Anh Tú. Anh cảm thấy thế nào khi mãi chưa đến lượt mình?

- Tôi chẳng bao giờ so sánh, làm diễn viên thì đạo diễn giao vai nào, mình đóng vai ấy, không đòi hỏi. Đạo diễn có cái lý của họ, họ có trách nhiệm với toàn bộ vở diễn, chẳng dại gì giao vai chính cho lính mới trong khi có cả một đội ngũ kinh nghiệm, lại được công chúng ưu ái. Hơn nữa, tiên trách kỷ, hậu trách nhân, có gì vướng mắc phải nhìn lại mình trước đã.

- Vậy tại sao anh không chuyển sang học đạo diễn?

- Tôi nghĩ mình không có đủ tố chất để theo trào lưu đó. Nghề diễn đã đủ phập phù, làm đạo diễn có khi còn phập phù hơn. Chi bằng cứ làm tốt chuyên môn của mình.

- Khán giả rất kết câu "Ở đời phải biết mình là ai" của anh. Khi sáng tạo ra "tuyên ngôn" này, anh có nghĩ đó sẽ là câu cửa miệng của công chúng?

- Không hề, câu đó bao hàm nhiều ý nghĩa, nên khán giả dễ áp dụng mọi lúc mọi nơi. Tập vở cũng như lấy vợ, không biết hồi kết thế nào. Chẳng ai kết hôn lại nghĩ vợ sẽ phải sinh cho mình một trai một gái, phải dựng được nhà được cửa.

(Theo Ngoisao.net)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]