Hấp dẫn khu du lịch Hồ Núi Cốc

Hồ Núi Cốc thuộc huyện Đại Từ, cách trung tâm TP Thái Nguyên 15km về hướng Tây Nam. Nơi đây nổi tiếng bởi nét đẹp thiên tạo tự bao năm nay và bởi cả sắc màu huyền thoại của truyền thuyết nàng Công - chàng Cốc.

15.6023
 
Một công trình giải trí đang được vận hành phục vụ thiếu nhi.

Từ Lào Cai đến hồ Núi Cốc, bạn có 2 sự lựa chọn để sang Quốc lộ 2: Một là đến Phố Ràng, rẽ trái theo Quốc lộ 279 qua Nghĩa Đô, Tân Tiến tới Quang Bình (Hà Giang) rồi tới ngã ba Việt Quang; hoặc xuôi tới ngã ba Khánh Hòa, rẽ trái qua thị trấn Yên Thế của huyện Lục Yên (Yên Bái) rồi qua Phố Cáo (Hà Giang), đi tiếp đến ngã ba Vĩnh Tuy, gặp Quốc lộ 2, rồi xuôi về thành phố Tuyên Quang.
 
Từ thành phố Tuyên Quang theo đường đi huyện Sơn Dương, qua ngã ba đường đi di tích lịch sử "Mái đình Hồng Thái - Cây đa Tân Trào", cắt qua sông Gâm, là tới địa phận huyện Đại Từ của tỉnh Thái Nguyên. Theo đường này, bạn sẽ tới hồ Núi Cốc trước khi tới tỉnh lỵ Thái Nguyên.
 
Hồ Núi Cốc được một ca khúc khá nổi tiếng của nhạc sĩ Phó Đức Phương nhắc đến như một huyền thoại. Trong thực tế, nơi đây đã nổi tiếng bởi nét đẹp thiên tạo tự bao năm. Núi Cốc - tên gọi một vùng đất, vùng hồ nên thơ, lung linh sắc màu huyền thoại của câu chuyện tình thuỷ chung trong truyền thuyết Nàng Công - Chàng Cốc.
 
Hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo, chắn ngang dòng sông Công, nằm trên địa phận huyện Đại Từ, ở trên cao lưng chừng núi. Hồ được khởi công xây dựng năm 1993, hoàn thành cơ bản năm 1994. Hồ gồm một đập chính dài 480m và 6 đập phụ.
 
Diện tích mặt hồ khoảng 25km2. Trên mặt hồ rộng mênh mông có 89 hòn đảo, có đảo là rừng cây xanh, có đảo là nơi trú ngụ của đàn cò, có đảo là quê hương của loài dê, có đảo có đền Bà chúa Thượng Ngàn, lòng hồ sâu trung bình 35m, dung tích nước hồ khoảng 175 triệu m3. Hồ có khả năng khai thác từ 600 - 800 tấn cá/năm. 

Bến thuyền Hồ Núi Cốc.
 
Hồ Núi Cốc là danh thắng và là nơi nghỉ mát giữa "thủ đô kháng chiến", là vị trí rất thuận tiện để tổ chức đi tham quan các di tích lịch sử cách mạng của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp trong khu vực Việt Bắc, như "An toàn khu" ở Định Hóa; "Cây đa Tân Trào" ở Tuyên Quang...
 
Hệ thống nhà nghỉ và bến tắm đã được quy hoạch và xây dựng phục vụ khách du lịch đến tham quan nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định mở rộng đầu tư để khai thác tiềm năng du lịch của khu du lịch này, từng bước xây dựng vùng du lịch Hồ Núi Cốc trở thành vùng du lịch trọng điểm Quốc gia và phục vụ du khách quốc tế.
 
Theo quy hoạch được phê duyệt, vùng du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc có diện tích gần 19.000 ha, trong đó diện tích thuộc thành phố Thái Nguyên trên 5.400 ha, diện tích thuộc huyện Đại từ trên 10.000 ha và diện tích thuộc huyện Phổ Yên hơn 3.400 ha. Tầm nhìn dự tính đến năm 2020, dân số toàn vùng quy hoạch từ 60,5 đến 62 nghìn người; đến năm 2030 từ 68 đến 70 nghìn người.
 
Vùng du lịch này được định hướng phát triển thành phân vùng phát triển kinh tế bao gồm: khu vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vùng trồng chè tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp, vùng rừng tự nhiên, phòng hộ và Khu vực phát triển du lịch, thương mại dịch vụ và đô thị.
 
Trong vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc dự kiến có 5 khu chức năng: Khu du lịch, thể thao và thương mại dịch vụ tổng hợp phía Đông Bắc hồ; Khu giải trí, sân golf, du lịch sinh thái và vui chơi có thưởng phía Tây Nam hồ; Khu trung tâm hành chính mới và du lịch sinh thái; Khu đô thị và dịch vụ du lịch; Khu lâm viên - rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái…
 
Trước mắt, trong giai đoạn 2011 - 2015, đơn vị quy hoạch đề xuất tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh hồ Núi Cốc, dự án khu bảo tàng trà Thái Nguyên, trung tâm văn hoá Trà, dự án xây dựng bến du thuyền và khu thể thao nước, dự án các khách sạn, khu resort, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp ven hồ...
 
Cùng với việc công bố quy hoạch chi tiết Vùng du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên cũng ban hành quy định về quản lý quy hoạch xây dựng, yêu cầu bảo tồn và phát triển 89 hòn đảo trên hồ theo hướng du lịch sinh thái tùy theo quy mô và đặc điểm của từng đảo; bảo vệ nghiêm ngặt các khu bảo tồn thiên nhiên; các công trình hiện hữu trong khu vực chỉ được phép cải tạo, chỉnh trang, không mở rộng.
 
Gần 10.000 tỉ đồng vốn đầu tư đã được duyệt từ năm 2011 này để xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc tương xứng với tiềm năng, hứa hẹn thêm một địa chỉ du lịch - nghỉ dưỡng - giáo dục về truyền thống cách mạng phù hợp với chương trình văn hóa - du lịch quốc gia trên chiến khu Việt Bắc xưa.
 
Theo Linh Phương (Lào Cai Online)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]