Cơ duyên với phương pháp lạ

Trung tâm chữa bệnh từ thiện của anh Nguyễn Văn Tứ nằm sâu trong một con đường nhỏ thuộc phường Tân Tiến (TP. Biên Hòa), có cái tên khá lạ là "Thiền xông hơi trị liệu 4.000 năm". Cơ sở này gần như tách biệt với sự ồn ào, náo nhiệt của phố thị với tiếng kinh Phật và không gian phủ bóng cây xanh. Tiếp xúc với người đàn ông mảnh khảnh, ăn vận giản dị này, điều làm chúng tôi khá bất ngờ là anh hiện đang là giám đốc công ty TNHH Thiên Tạo chuyên về in men sứ. Đây cũng là nguồn thu nhập chủ đạo của anh, bổ trợ tích cực cho việc duy trì hoạt động của Trung tâm thiền xông hơi.

Nói về cơ duyên đến với thiền xông hơi, anh Tứ cho biết: Anh vốn sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Thanh Hóa. Cách đây 25 năm, anh vào miền Nam lập nghiệp và đã trải qua đủ thứ nghề. Nhờ đam mê sáng tạo, anh nghiên cứu ra kỹ thuật in men sứ rồi phát triển nó đến ngày nay. Cũng chính nhờ sự đam mê ấy, anh đã chế tạo ra chiếc lều xông hơi với tác dụng vô cùng hiệu quả. "Ngày trước, tôi rất hay bị cảm cúm. Năm 2006, tôi bị rất nặng, uống thuốc cả tháng cũng không khỏi. Lúc đó, có người mới khuyên tôi nên dùng phương pháp xông hơi. Và quả thật rất hiệu quả, chỉ sau lần đầu tiên xông bằng những lá cây đơn giản, tôi đã cảm thấy người nhẹ nhõm, sảng khoái, các triệu chứng đau đầu, sổ mũi cũng không còn. Từ đó, tôi cảm thấy vô cùng tò mò với phương pháp dân gian này và ấp ủ dự định nghiên cứu sâu về nó", anh Tứ nhớ lại.

Như một cơ duyên, 3 tháng sau, anh Tứ gặp sư Thích Giác Nhiệm - một vị sư theo trường phái Khất sĩ. Sư Giác Nhiệm chính là người đầu tiên khai sáng ra phương pháp chữa bệnh bằng thiền kết hợp xông hơi. 
"Sư Giác Nhiệm thường ngồi thiền nên khi người mệt mỏi, sư cũng ngồi trong tư thế thiền để xông hơi. Cũng chính bởi vậy, sư phát hiện ra tác dụng kỳ diệu của sự kết hợp này và truyền bá nó, giúp mọi người chữa bệnh. Khi gặp sư, tôi giống như tìm thấy con đường sáng cho ý tưởng của mình vậy. Tôi nhanh chóng thử nghiệm phương pháp này để chứng thực hiệu quả. Tôi cũng tìm hiểu từ một số người từng áp dụng thiền xông hơi. Họ đều cho biết đã đạt được những kết quả tích cực", anh Tứ nhớ lại. 
Nếu phương pháp của sư Giác Nhiệm lấy thiền làm chủ đạo thì anh Tứ muốn đạt hiệu quả nhanh hơn bằng việc lấy xông hơi làm chủ đạo. Đó chính là lý do anh mày mò nghiên cứu và cho ra đời chiếc lều xông hơi.

Sự kết hợp độc đáo

Dẫn chúng tôi ra khuôn viên với khoảng hơn chục chiếc lều xông hơi phục vụ người bệnh tới chữa trị, anh Tứ giới thiệu sau nhiều năm, anh đã sáng tạo ra 5 mẫu thiết kế. Tuy nhiên, thành phần chính vẫn là bàn ngồi xông, nồi xông và bạt che. Trong đó, bàn được làm bằng gỗ thông có tác dụng tích cực cho sức khỏe, có mùi thơm dễ chịu tạo cảm giác thoải mái và an toàn tuyệt đối cho quá trình xông hơi. 
Bàn được đặt trên bốn chân cao, có khung ngang bốn cạnh tạo khe hở để hơi nóng có thể đưa từ nồi xông đặt dưới bàn lên phía trên. Lều xông có khung và có thể tháo lắp được với bạt phủ. Tấm bạt có 1 lỗ tròn bên trên để thoát hơi và điều hòa ôxy chống ngộp thở. Cửa bạt có 2 đầu khóa để điều chỉnh không khí và giảm nhiệt độ. Nồi hơi chứa thảo dược được cung cấp điện để tạo hơi đều, có bộ phận khung đỡ bằng gỗ bao quanh để giữ an toàn khi sử dụng. 
Nhiệt độ và thời gian của nồi xông có thể được kiểm soát bằng các thiết bị phù hợp đi kèm. Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai lần thứ XV do Sở KH&CN tổ chức, giải pháp lều xông hơi của anh Tứ đã được Hội đồng giám khảo trao giải Ba. Hiện nay, sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và được nhiều người sử dụng ghi nhận hiệu quả.
 Chị Ngọc Pháp cho biết, sau khi cảm nhận tác dụng của thiền xông hơi, cô muốn ở lại làm việc một thời gian để ổn định sức khỏe và cũng như lời cảm ơn tới trung tâm.

Anh Tứ cho biết, sau khi sáng tạo ra lều xông hơi, anh vẫn muốn sử dụng kết hợp với thiền để phát huy tối đa hiệu quả. Anh cho biết: "Có thể nói đây là kết hợp khá độc đáo, đơn giản và hiệu quả. Thiền là một kiểu thư giãn chủ động tích cực với hiệu quả cao. Khác với thư giãn thông thường, thiền điều chỉnh trực tiếp về mặt tinh thần, mang lại trạng thái yên tĩnh với những biểu hiện như nhẫn nại, bền bỉ, tự tin, bình tĩnh, ổn định nhân cách, đầu óc sảng khoái, thân thiện, hòa hợp với mọi người, mà từ đó có tác dụng điều chỉnh đến các hoạt động của cơ thể, tạo lập sự cân bằng nội tại, cân bằng cơ thể với môi trường sống. 
Còn theo y học cổ truyền, xông hơi bằng thảo dược là một phương pháp trị liệu tự nhiên tốt cho sức khỏe và sắc đẹp. Trong liệu pháp xông hơi, hơi nóng tạo ra một cơn sốt nhân tạo trong thân thể giúp giãn nở mạch máu dưới da, kích thích lưu thông khí huyết và thúc đẩy việc đào thải độc tố. 
Điều này kích hoạt sự tẩy rửa từ bên trong nhằm đẩy cặn bã và chất độc ra ngoài cơ thể bằng cách toát mồ hôi qua lỗ chân lông, các cơ bắp đang trong trạng thái nghỉ ngơi cũng được tẩy rửa, chống căng thẳng về tinh thần và làm sảng khoái đầu óc. Hệ tuần hoàn được kích thích, da được đàn hồi và xoa dịu. Cơ thể có cảm giác sạch sẽ và đổi mới. Chính vì vậy, xông hơi giúp cơ thể giảm mệt mỏi, giảm đau nhức cơ khớp và phục hồi tổng quát với những hiệu quả rất ưu việt đối với cả sức khỏe và sắc đẹp". Để củng cố thêm kiến thức về phần thiền, anh Tứ còn mời một vị sư cô về trợ giúp.

Từ khi thành lập cơ sở thiền xông hơi, anh Tứ không nhớ đã đón tiếp bao nhiêu lượt bệnh nhân đến chữa trị. Anh cũng đã mang sáng kiến của mình đi hành thiện cứu người ở nhiều nơi, chủ yếu là tại các chùa. Thời điểm chúng tôi đến, tại trung tâm cũng có khá nhiều bệnh nhân từ xa tới ở lại điều trị. Tại đây, họ được tư vấn điều trị miễn phí, sự đóng góp tùy tâm. Những người bệnh quá hoàn cảnh, anh Tứ còn miễn phí ăn ở. 
Chúng tôi trò chuyện với một nhân viên có pháp danh Ngọc Pháp của trung tâm. Được biết, cô từng là bệnh nhân tới đây điều trị và tình nguyện ở lại làm việc. Ngọc Pháp tên thật là Nguyễn Thị Kim Luyến (SN 1987, quê ở Tiền Giang). Trước đây, cô bị viêm xoang mãn tính, mỗi khi thời tiết thay đổi là bệnh lại phát mạnh khiến cơ thể vô cùng mệt mỏi, khó thở.

"Tôi vốn là nhân viên văn phòng làm cho một công ty ở trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, bệnh tật làm ảnh hưởng nghiêm trọng khiến tôi không thể làm tốt công việc. Ngoài bệnh viêm xoang, tôi còn bị thận yếu, mất ngủ. Những chứng bệnh này khiến cơ thể tôi ngày một suy kiệt, không thể tập trung. Tôi đã đi điều trị nhiều nơi, bằng nhiều phương pháp nhưng không khỏi. Sau 7 năm chạy chữa không có kết quả, tôi được người quen giới thiệu tới đây điều trị bằng thiền xông hơi. 
Thật may mắn là ngay tuần đầu tiên, bệnh tình của tôi đã có dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt. Sau 1 tháng thì viêm xoang đỡ hẳn, hết triệu chứng tiểu nhiều vì thận yếu, mừng nhất là tôi đã tìm lại được giấc ngủ ngon lành", Ngọc Pháp kể. Ngọc Pháp cho biết, sau khi cảm nhận tác dụng của thiền xông hơi, cô muốn ở lại làm việc một thời gian để ổn định sức khỏe và cũng như lời cảm ơn tới trung tâm.

Theo các phương pháp xông hơi truyền thống, người ngồi xông thường gặp nhiều khó khăn như: cảm thấy ngộp thở khi phải trùm quấn chăn sát người với một nồi xông hơi nóng, tư thế ngồi xông không thoải mái, nồi nước xông dễ gây bỏng do chạm vào người hay có thể gây bỏng hơi, không duy trì được nhiệt độ theo thời gian mong muốn... Trong khi đó, việc sử dụng các dịch vụ xông hơi (sauna, steam bath) tại các spa mặc dù rất tốt nhưng không dễ dàng đối với đa số người dân còn phải quan tâm đến mức độ thu nhập. Anh Tứ cho biết, sự tiện lợi của lều xông là người xông có thể ngồi với tư thế thoải mái do được thiết kế thêm bộ phận tựa lưng. Ngoài ra, bạt phủ được thiết kế theo dạng khóa kéo nên có thể dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ khi cần thiết. Nồi thảo dược có bộ phận khung đỡ bao quanh nên rất an toàn hơn nhiều so với các nồi xông cổ truyền, người xông có thể bị tai nạn bỏng bất cứ lúc nào nếu không cẩn thận. Cách xông trong lều cũng được tiến hành đơn giản, người xông ngồi lên bàn xông, hơi tỏa ra từ nồi thảo dược bốc lên, qua khe hở giữa mặt bàn và khung ngang đập vào bạt của mặt trong của tấm bạt và tỏa vào người xông

 Gia Khang / Gia đình & Xã hội