Họ đã khởi nghiệp như thế nào? (tiếp theo)

Sự khởi nghiệp của Re/Max (bất động sản) và Viking Range (dụng cụ nhà bếp) xem ra cũng không kém phần trắc trở so với 2 công ty Costco và Kiss My Face mà NCĐT đã giới thiệu ở số trước.

15.593

Sự khởi nghiệp của Re/Max (bất động sản) và Viking Range (dụng cụ nhà bếp) xem ra cũng không kém phần trắc trở so với 2 công ty Costco và Kiss My Face mà NCĐT đã giới thiệu ở số trước.

Re/Max: Phá vỡ những cản ngại

Khi Dave Liniger mở công ty bất động sản Re/Max ở Denver (bang Colorado, Mỹ), người làm thuê đầu tiên của ông là Gail Main, một nữ giám sát bộ phận dịch vụ khách hàng. Cả hai sớm trở thành những cộng sự đắc lực. Rồi họ yêu nhau và cưới nhau.

Công ty bất động sản của họ đã có những bước ngoặt đáng nhớ: Đối diện với 5 lần khủng hoảng, nợ nần và thử thách về quản lý. Dù vậy, họ đã vượt qua và hiện là thương hiệu bất động sản lớn trên thế giới.

Ông bà đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với Re/Max như thế nào?

Dave Liniger: Vào những năm đầu tiên thập niên 70, hầu hết các công ty bất động sản đều hoạt động theo mô hình chia 50% hoa hồng cho đại lý, mọi chi phí hoạt động do công ty chi trả. Trong khi đó, cách thức hoạt động của Re/Max là đại lý giữ lại 100% hoa hồng, chỉ trả phí quản lý cho công ty như tiền thuê mặt bằng, vật dụng văn phòng... Các chi phí như quảng cáo và bảng hiệu thì chia đôi.

Những năm đầu hoạt động, Công ty gặp khó khăn gì?

Gail Main: Chúng tôi khởi đầu kinh doanh trong khủng hoảng (1973) và mất hết tiền vì các nhà đầu tư bỏ đi. Hai năm đầu, Công ty nợ hơn 600.000 USD. Chúng tôi bắt đầu vượt qua giai đoạn khó khăn vào năm 1975. Hai năm sau thì nợ được trả xong.

Dave Liniger: Khởi đầu, tôi là một giám đốc kém cỏi. Năm 1975, 8 giám đốc chi nhánh đã nản chí vì làm việc với một người như tôi và họ cũng phát ốm với các hóa đơn. Họ quyết định ra riêng và nghĩ là nhân viên sẽ đi theo. Nhưng nhân viên vẫn ở lại. Rồi họ đến gặp tôi và nói: “Chắc là ông muốn đơn từ chức của chúng tôi?”. Tôi bảo: “Không, tôi sẽ chẳng làm được gì nếu không có các ông”. Và khi Công ty tiến hành nhượng quyền vào năm đó, các giám đốc này trở thành những người đầu tiên nhận nhượng quyền.

Việc mở rộng kinh doanh ra toàn cầu bắt đầu vào năm 1990. Đến giờ, chúng tôi có 16.000 nhân viên ở châu Âu và kỳ vọng con số sẽ nhân đôi trong 5 năm nữa. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động sang châu Á.

Suy thoái kinh tế lần này ảnh hưởng thế nào đến Công ty?

Dave Liniger: Chúng tôi vẫn đạt lợi nhuận cao. Đây là lần thứ 5 chúng tôi đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế và lần này không phải là nặng nề nhất.

Vậy thời kỳ khủng hoảng lớn nhất của Công ty là khi nào?

Gail Main: Vào tháng 10.1983, hai chúng tôi tham sự một cuộc họp tại Canada. Sau đó, mọi người quay trở lại Mỹ trên một chiếc thủy phi cơ. Dave không có mặt trên máy bay này. Chẳng may, máy bay gặp tai nạn, phi công chết, những người còn lại đều bị thương.

Vết thương làm nửa bên trái cơ thể tôi tê liệt hoàn toàn. Mắt không còn nhìn được rõ ràng. Sau 6 tháng chữa trị, tôi mới có thể đi lại được. Bây giờ tôi có thể cử động mà không cần dùng tay trái và 1 bên người. Thậm chí, tôi đánh máy cũng bằng 1 tay.

Dave Liniger: Tôi mất 6 tháng với Gail trong bệnh viện. Đó là vụ khủng hoảng nặng nề nhất. Đó cũng là lần đầu tiên sau 10 năm kinh doanh, cả hai vợ chồng lại gắn bó bên nhau.

Viking Range: Có công mài sắt có ngày nên kim

Viking Range là công ty cung cấp thiết bị, dụng cụ bếp núc dùng trong gia đình. Được thành lập năm 1986 tại Greenwood (bang Mississippi) bởi người con bản xứ, Fred Carl Jr., Viking hiện có hơn 1.000 nhân viên và doanh số khoảng 300 triệu USD/năm.

Ông khởi nghiệp với Viking Range như thế nào?

Fred Carl: Tôi nhận ra nhu cầu về hàng gia dụng đang tăng cao, trong khi các sản phẩm cùng loại vào thời điểm đó khó lau chùi, hao năng lượng và nhanh nóng. Nghĩ vậy, tôi tiến hành “lai tạp” nhằm tạo ra những sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu, vừa hạn chế các khuyết điểm trên.

 

Việc sản xuất bắt đầu thế nào?

Fred Carl: Tôi đến thăm thường xuyên các nhà sản xuất bếp lò, đầu tiên là Wolf. Họ nói: “Thật hân hạnh, nhưng chúng tôi quá bận, không thể tham gia được”. Các nhà sản xuất khác thì “ừ hử” cho qua. Sau đó, tôi tình cờ gặp các kỹ sư của một công ty khác và gần như sắp ký kết hợp đồng với họ. Rồi họ bảo rằng giám đốc điều hành của họ muốn gặp tôi để thảo luận vài điều khoản. Và tôi đã đến.

Ông ta nói thích ý tưởng của tôi nhưng yêu cầu thay đổi vài điểm trong hợp đồng. Đặc biệt, ông ta muốn độc quyền bán sản phẩm trong 1 năm, sau đó tự sản xuất”. Tôi hỏi: “Vậy ông sẽ cạnh tranh với tôi à?”. Ông ta nói: “Đúng. Hoặc ông đồng ý hoặc chúng ta chấm dứt ở đây”. Tôi bảo: ”Thế thì hãy đi mà làm việc của ông!”.

Tôi thất vọng nhưng vẫn kiên trì, rồi tôi gặp đại diện Công ty U.S.Range ở California và nhanh chóng ký kết một hợp đồng sản xuất. Sau này tôi mới biết nguyên nhân họ hào hứng như thế là do gặp vấn đề về tài chính. Nhưng dù sao, cả hai đều sẵn lòng chấp nhận mạo hiểm.

Ông có lời khuyên gì cho các doanh nhân khác?

Fred Carl: Ranh giới giữa sự bướng bỉnh và kiên nhẫn rất mong manh. Nếu bạn nhạy bén, chuyên nghiệp và có cơ sở, hãy kiên quyết bảo vệ ý tưởng của mình. Đừng ngại bảo những người như quý ông trên kia hãy đi mà làm việc của ông ấy.

(Theo CNN)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]