Hỗ trợ kinh nghiệm các DN trong việc tái cấu trúc

0
Ngày 27/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm kinh nghiệm trong việc tái cấu trúc và quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn về kinh tế hiện nay.

Ông Hà Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết, cùng với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, luôn đòi hỏi đội ngũ quản trị doanh nghiệp đủ tầm để thực hiện việc tái cấu trúc.

Còn giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc tái cấu trúc doanh nghiệp không thể nói và làm trong ngày một ngày hai mà cần phải có một quá trình. Trong đó, trước hết cần khắc phục các yếu kém trong tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tránh bệnh hình thức; giảm cồng kềnh bộ máy để giảm gánh nặng; đặc biệt là loại trừ tham nhũng, nhất là liên quan đến đất đai, đầu tư và tài sản lớn, kể cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Nam Phương, Tư vấn trưởng Công ty phát triển năng lực tổ chức (OCD) cho rằng để tái cấu trúc doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược và quản trị chiến lược thật tốt. Đối với những doanh nghiệp ở giai đoạn phát triển nóng hoặc kinh doanh thiếu hiệu quả cần có định hướng xây dựng chiến lược và quản trị chiến lược lâu dài. Khi xây dựng chiến lược và quản trị chiến lược cần thống nhất quan điểm khi ra quyết định; quyết đoán để xác định rõ kỳ vọng.

Ngoài ra, cần có nhóm công tác có năng lực tư vấn phù hợp, có chiến thuật áp dựng hiệu quả và khả năng thuyết phục và linh hoạt điều chỉnh chiến lược phù hợp.

Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ điện đo lường Tự động hóa DKNEC, tiến sỹ Đinh Văn Hiến cho rằng, để tái cấu trúc doanh nghiệp, hay thực hiện các sự đổi mới doanh nghiệp, trước hết phải từ người đứng đầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, việc thay đổi tư duy của người đứng đầu sẽ không hề dễ. Do đó, rất cần có đội ngũ chuyên gia tư vấn giỏi, các trợ lý giỏi để kịp thời tư vấn, hỗ trợ nhà quản trị tối cao của doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh chiến lược của doanh nghiệp.

Hiện nay là lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản, giải thể hoặc xin dừng hoạt động năm 2011 là gần 54.000 doanh nghiệp, nhưng bảy tháng đầu năm 2012 đã có 30.000 doanh nghiệp giải thể./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]