Khi nghệ thuật báo hiếu

“Không gian tưởng niệm nhà văn Kim Lân” - hạng mục mới vừa được bổ sung vào bức tranh của Việt Phủ Thành Chương không chỉ là nơi giúp chúng ta cúi đầu tưởng nhớ một đời văn tài hoa còn là lời an ủi cho một đời sống hiện đại mà chữ “hiếu” đôi khi đi vắng…

15.6004

Khu tưởng niệm không… hiện vật

Công trình vừa được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 5 năm Ngày mất của cố nhà văn Kim Lân, dự kiến sẽ làm lễ khánh thành vào ngày 24/7 tới, sau 3 năm được người con trai trưởng của nhà văn và cũng là chủ nhân của Việt Phủ là họa sỹ Thành Chương lặng lẽ triển khai như một cách báo hiếu bậc sinh thành. “Theo quan niệm của người Á đông ta, 5 năm cũng là quãng thời gian đủ để mồ yên mả đẹp, và cũng cho tôi một khoảng lặng đủ để hình thành nên được một không gian tưởng nhớ cha mình và nhà văn của chúng ta” – Họa sĩ Thành Chương chia sẻ.

Một cuộc “báo hiếu” không dễ dàng, khi phải đi “từ không đến có”! Không một hiện vật nào trong tay, dù Thành Chương là con trai trưởng, sau những tranh luận không đi đến được thống nhất giữa bảy người con của nhà văn (mà phần lớn đều là họa sỹ). “Mỗi người một quan niệm, một cá tính…, và cuối cùng, tôi nghĩ mình cần phải tôn trọng điều đó, để mỗi một đứa con đều có thể có những không gian riêng để “gặp lại” cha mình” – Chủ nhân Việt Phủ giải thích cho việc vì sao “Không gian tưởng niệm” thay vì trưng bày hiện vật (như hình dung thông thường), lại chọn nghệ thuật sắp đặt làm ngôn ngữ biểu đạt.
 

“Ý tưởng đến bất ngờ trong tình thế “cái khó ló cái khôn”. Đó là lúc tôi ôm đầu ngồi lại giữa 5 gian nhà trống, bấy giờ chỉ còn trơ trọi mỗi bát hương thờ tự, do hiện vật đã bị mang đi hết sau những bàn bạc bất thành. Đó cũng chính là lúc tôi bỗng thấy thấm thía hơn bao giờ hết nỗi cô đơn của một đời người, cô đơn cho tận đến phút cuối cùng. Đến ngôi nhà nhỏ ở số 6 Hạ Hồi, nơi cha tôi từng sống ở đó từ năm 1958 tới khi cụ mất (2007) mà anh em chúng tôi cũng không giữ lại được để làm nơi thờ tự cha mình, đúng như tâm nguyện của cụ… ” – người con trai trưởng day dứt.

Một cách làm không gian tưởng niệm

Thiếu hiện vật, cuối cùng hóa ra lại thành… hay, khi nó chính là mảnh đất lý tưởng cho sáng tạo, với người từng làm nên Việt Phủ (công trình vừa được “vinh danh” trên The New York Times) từ một quả đồi trọc tại Sóc Sơn, Hà Nội. “Ngôi nhà truyền thống 5 gian hai chái, tượng trưng cho “ngũ phúc”, cũng chính là ngôi nhà bố tôi sinh ra và lớn lên ở làng chợ Giầu, Từ Sơn, Bắc Ninh, sẽ cho bạn một không gian di sản về chữ nghĩa và có thể, còn là những triết lý cuộc đời. Sinh thời, cha tôi, cũng như nhiều nhà văn lớn cùng thời với ông đã sống một cuộc đời hết sức thanh bạch...”
 

Mọi chi tiết từ vì kèo đến đất nền, chữ hay ảnh… vì thế đều sử dụng duy nhất hai gam màu đen – trắng để tạo nên một không gian gần gũi và đơn sơ hết sức như chính cuộc đời người đã khuất. Chỉ duy nhất có chỗ cho gam đỏ là tên hai tác phẩm được đánh giá là “để đời” của cụ: “Làng” và “Vợ nhặt”, mà nói như cố nhà văn Nguyễn Khải là “thần mượn tay người”. Những dấu son trong sự nghiệp của người viết vốn đặc biệt có duyên với đề tài nạn đói 1945 và tản cư kháng chiến cũng chính là những điểm nhấn đập mắt trên vách tường, trên nền những trích đoạn tác phẩm hoặc những câu nói của các bạn văn nói về cố nhà văn, cũng như nhà văn nói về nghề và bạn viết…

Tự nhận mình là một tay “nổi loạn” trong nghệ thuật nhưng lại là một đứa con không bao giờ dám cãi lại lời bố mẹ, “sai cũng nghe, vô lý cũng nghe”, người vừa nhờ nghệ thuật báo hiếu cười buồn: “Thực ra, điều ngăn tôi lại chỉ là tôi cứ nghĩ đến công sinh thành của bố mẹ, cứ bị ám ảnh mãi cái câu mà các cụ nhà mình vẫn nói: “Bố mẹ bón cho con ăn, bố mẹ cười, con cười – Con bón cho bố mẹ ăn, con khóc, bố mẹ khóc”. Nên làm được gì cho bố mẹ, dù chỉ là một sự im lặng cúi đầu, tôi nghĩ, có thể cũng là một cách để bớt đi được những “tiếng khóc”…

 
 
Theo Thủy Lê
Lao động
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]