Làm gì để giảm tải ATM?

Vào cuối tuần hay các dịp lễ tết, bộ phận tiếp quỹ cho các máy rút tiền tự động (ATM) của ngân hàng thường phải làm việc hết công suất mà ATM vẫn quá tải khiến cho khách hàng bực mình, còn ngân hàng chỉ biết xin lỗi.

15.6005

Sử dụng thẻ ATM để thanh toán trực tiếp không dùng tiền mặt được coi là lối ra cho việc giảm tải ATM cũng như tăng tiện ích đối với chủ thẻ, nhưng dường như giải pháp này vẫn còn trở ngại, không phải từ khách hàng cũng không phải từ ngân hàng, mà là từ người... bán hàng.

 

Theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), máy ATM đã được cải tiến tăng thêm nhiều tiện ích và thực chất ở các nước phát triển nó đã trở thành "ngân hàng tự động". Bản thân các máy ATM mà Vietcombank sử dụng cũng là các máy hiện đại nhất có đầy đủ các tính năng để trở thành ngân hàng tự động.

 

Cụ thể ở đây, ngoài khả năng rút tiền trực tiếp, máy ATM có thể sử dụng trong rất nhiều giao dịch như thanh toán hóa đơn, chuyển khoản, tư vấn thông tin tài chính,... Hiện Vietcombank cũng đang cố gắng gia tăng các tiện ích này, đặc biệt trong thanh toán hóa đơn. Đã có một số đối tác đồng ý hợp tác với Vietcombank cho phép khách hàng thanh toán tiền điện, điện thoại... qua máy ATM.

 

Cũng theo bà Hà, doanh số giao dịch của các loại dịch vụ nói trên còn chiếm "quá nhỏ " so với doanh số giao dịch rút tiền mặt từ các máy ATM. Bà Hà thừa nhận việc rất khó khăn trong thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ khác kết hợp với ngân hàng trong thanh toán phí dịch vụ qua ngân hàng, thêm vào đó cũng cần có thời gian để khách hàng quen dần với phương thức thanh toán mới này.

 

Hiện có một hướng đi đã được nhắc nhiều nhằm giảm tải cho ATM và cũng là để tiện lợi hơn cho các chủ thẻ là thanh toán trực tiếp qua các điểm chấp nhận thanh toán của ngân hàng (POS).

 

Trên thực tế thẻ ATM cũng chính là thẻ ghi nợ (debit), khách hàng thông qua các máy chấp nhận thẻ được lắp đặt tại các điểm bán hàng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ, số tiền thanh toán sẽ thông qua thẻ và trừ trực tiếp vào tài khoản khách hàng. Vấn đề hiện tại là cũng rất ít khách hàng sử dụng phương thức thanh toán này.

 

Theo bà Hà, có hai nguyên nhân, trong đó đầu tiên phải kể đến khách hàng chưa biết là thẻ ATM của ngân hàng có thể thanh toán được như vậy. Điều này cũng có một phần lỗi của ngân hàng chưa thông tin đầy đủ đến khách hàng ở những nơi có thể thanh toán được.

 

Trong thời gian tới, Vietcombank sẽ tăng cường việc thông tin tới khách hàng thông qua việc dán các bảng hiệu của thẻ ATM Connect 24 tại những nơi bán hàng có POS của Vietcombank. Hiện đã có tới 2.000 điểm POS của Vietcombank chấp nhận thẻ ATM, vượt trội nếu so với khoảng 500 máy ATM của Vietcombank.

 

Nguyên nhân còn lại nằm ở người bán hàng. Theo quy định về thanh toán, nếu khách hàng dùng thẻ thanh toán để trả tiền, người bán hàng sẽ phải trích một lượng phí nhất định để trả cho ngân hàng.

 

Chẳng hạn, nếu dùng thẻ ATM thì trả 1% doanh thu bán hàng, nếu trả bằng thẻ tín dụng quốc tế thì mức phí từ 2 đến 3%, mức phí này người bán không được thu của khách hàng.

 

Nhưng ở Việt Nam, theo bà Hà, người bán hàng chưa chấp nhận chuyện đó nên mặc dù vẫn cam kết khi lắp máy thanh toán là không thu phí khách hàng, nhưng thực ra vẫn thu phí.

 

Khách nước ngoài trả bằng thẻ tín dụng họ chấp nhận, bởi mức phí không lớn, hơn nữa họ cũng không mang sẵn nhiều tiền mặt, nhưng khách hàng Việt Nam thì hầu như không chấp nhận chuyện này và quay ra trả bằng tiền mặt.

 

Điều này đang hạn chế việc thanh toán bằng thẻ, cũng như mong muốn phát triển thêm điểm chấp nhận thẻ của ngân hàng. Đầu tư cho các POS rẻ hơn nhiều so với một máy ATM (chỉ bằng 1/40 chi phí), nhưng sự hợp tác của các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ lại chưa được như mong muốn, nên việc giảm nghẽn mạch ATM dường như vẫn "nghẽn " lối ra.

 

Theo Đầu tư

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]