Nhiều dòng sản phẩm

Collagen được cho là xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Nhật, Canada, Úc... đang "làm mưa làm gió" trên thị trường. Thông thường, SP có hai loại: dạng viên và dạng nước. Ngoài ra, còn có các loại đắp lên da như mặt nạ, kem dưỡng. Hàng xách tay chiếm thế thượng phong và được bán qua rất nhiều kênh, từ chợ, cửa hàng đến các spa, thẩm mỹ viện, nhà thuốc, trên mạng internet... với đủ dạng SP, nhãn hiệu và giá cả. Tùy thương hiệu, dòng SP, số lượng mà giá collagen khác nhau, "thượng vàng hạ cám", dao động từ 400.000 - 5.000.000đ/hộp. Mặc dù giá không hề rẻ, lại đòi hỏi phải sử dụng liên tục, nhưng giới nữ vẫn bị thu hút, thậm chí bất kể thật - giả lẫn lộn. Dường như nhìn thấy "miếng bánh" hấp dẫn, trong năm 2014, nhiều hãng sản xuất collagen đã thâm nhập thị trường mạnh mẽ hơn. Có thể kể hàng loạt SP ngoại: Collagen cá (450.000đ), Collagen Neocell type 1 & 3 (630.000đ), tinh chất Collagen amax (670.000đ), Collagen + A, E, c (780.000đ), sữa bổ sung collagen (810.000đ), Neocell collagen + C4000mg (850.000đ), Bio - collagen costar (850.000đ), viên uống đẹp da Bio - marine collagen 4 in 1 (900.000đ), giảm cân Collagen slim (1.130.000đ), Collagen plus golden (1.200.000đ), viên uống trắng da Whitening collagen (1.200.000đ), Collagen de happy (1.650.000đ), tinh chất Collagen carlmark Bio - nano (1.800.000đ), Collagen Fine Pure (2.420.000d), tinh chất Collagen tokachi no mori (2.500.000d), Super collagen (3.000.000đ), viên uống Collagen Q5 - 26 Colvitạ (5.000.000đ)...

Chị H.B. (tiểu thương chợ An Đông, TP.HCM) vừa là khách hàng vừa là nhà phân phối cho dòng SP collagen S. Nhiều tháng nay. Chị hùng hồn thuyết phục các bạn hàng: "Tui bị thoát vị đĩa đệm, nhờ uống collagen mà đỡ hẳn". Con trai chị lắc đầu, nói nhỏ: "Cả nhà rầu mẹ con hết sức. Cứ chạy theo uống mấy loại thực phẩm chức năng.Tình trạng bệnh không thấy cải thiện, tiền thì cứ đổ vào "thần dược''...".

Còn bà T.B., 53 tuổi, ở Q.Tân Phú, thì "hồn nhiên": "Collagen là thực phẩm chức năng, uống không bổ ngang cũng bổ dọc, đâu phải thuốc mà sự'. Có lẽ vì quan niệm này mà mỗi ngày bà đều đặn uống ba loại collagen khác nhau. Không cần tham khảo ý kiến dược sĩ, bác sĩ, bà tự đặt hàng thuốc trên mạng, được giao tận nhà, cứ thế sử dụng, năm này qua tháng nọ (!).

 

Thực hư lẫn lộn

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM), collagen thực chất là protein (tức chất đạm) dạng sợi có ở mô liên kết của các động vật có vú. Ở người, collagen chiếm đến hơn 25% tổng lượng protein trong cơ thể. Chức năng của nó là kết nối các mô trong cơ thể với nhau, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc làm các vết thương mau lành. Trong y học, collagen là thành phần trong các chất liệu dùng cầm máu khi mổ xẻ, dùng để khâu vết mổ, làm da nhân tạo trị phỏng, tiêm vào da sửa sẹo. Collagen còn được dùng trong ngành dược thông qua chất gelatin mà nó phân giải tạo thành, dùng tạo vỏ nang đựng thuốc (thường gọi là viên nang hay viên nhộng). Thông thường, collagen được lấy từ da heo hoặc bò. Đặc biệt, nếu lấy từ da bò (từ bò mới sinh) phải thông qua kiểm tra chất lượng rất gắt gao để phòng ngừa bệnh bò điên lây nhiễm cho người.

Đối với con người, collagen có nhiều ở lớp hạ bì, giúp da vừa căng vừa đàn hồi. cần lưu ý, collagen ở da được tổng hợp bên trong cơ thể từ nguồn dinh dưỡng mà cơ thể hấp thu qua thực phẩm. Người càng lớn tuổi, lượng collagen được cơ thể tổng hợp ít dần (da càng khô và nhăn dần). Từ đó, nhiều người nghĩ đơn giản "nếu thiếu thì bù" và cho rằng nếu uống chế phẩm collagen hoặc dùng tinh phẩm chứa collagen bôi lên da sẽ giúp làn da tươi mịn, săn chắc. Tuy nhiên, việc uống hay bôi collagen không có tác dụng "thần kỳ" như mong muốn. Bởi, uống collagen thì không khác ăn thịt, cá, vì collagen sẽ tiêu hóa ở dạ dày - ruột, tạo các axít amin. Với việc dùng collagen bôi lên da mặt, việc hấp thu collagen nguyên chất chắc chắn không xảy ra, nếu có thì collagen chỉ có tác dụng giữ ẩm (tức giúp giữ nước ở da), da không bị khô.

Vì là chất đạm có trong thiên nhiên nên dùng collagen bằng đường uống khá an toàn với điều kiện chế phẩm ấy phải sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì các chế phẩm dùng nguyên liệu từ động vật nên có nguy cơ gây dị ứng khi uống. Đã có người phải nhập viện để điều trị các nốt sưng đỏ, bọng nước trên da do uống collagen. Đối với các chế phẩm bôi ngoài da, mặc dù đạt tiêu chuẩn chất lượng, collagen vẫn có thể gây dị ứng (do chất bảo quản). Đặc biệt, nếu dùng collagen bôi ngoài da không đúng cách, không phù hợp cơ địa, hay dùng chế phẩm kém chất lượng, người dùng có thể bị tai biến như nhiễm trùng da hoặc viêm da dị ứng toàn thân.

Dinh dưỡng hợp lý thì không cần dùng collagen

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không nên xem collagen là "thần dược" mà quên đi các biện pháp khác có lợi cho sức khỏe. Đó là: ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất (nên ăn nhiều trái cây, rau củ), tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi, ngủ đầy đủ, sống lạc quan, tâm lý thoải mái, tránh phiền muộn lo âu.

Cần lưu ý, rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra khi dùng collagen trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Các chất độc hại trong SP có thể khiến tế bào cơ thể bị biến đổi và âm thầm làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan nội tạng như gan, thận, tiêu hóa... Vì vậy, tốt nhất nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều collagen và chất chống oxy hóa vào thực đơn hàng ngày như đậu hủ, sữa đậu nành, rau củ quả có màu xanh đậm như cải bó xôi, bông cải xanh, măng tây... và các loại rau củ, trái cây có màu đỏ như cà chua, cà rốt, ớt chuông, cam, nho, lựu...

Nếu muốn dùng collagen, chỉ mua SP có thương hiệu, có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Khánh Thủy (Theo Phụ nữ)