Mèo qua cách nhìn của các dân tộc

Nhiều tài liệu nói rằng, mèo được con người thuần hóa tùy từng khu vực nhưng chậm nhất cũng đã từ bốn, năm nghìn năm.

15.6065

Nhiều tài liệu nói rằng, mèo được con người thuần hóa tùy từng khu vực nhưng chậm nhất cũng đã từ bốn, năm nghìn năm. Tuy nhiên trong văn hóa thì con mèo được thần thoại, cổ tích các nước nói tới cũng đã khá lâu. Như ở Nhật Bản, mèo là con vật báo điềm không lành, riêng con mèo Jingorô ở vùng Nikki thì lại hiền lành, trở thành có giá trị trang trí.

Ở Ấn Độ, mèo lại biểu thị sự khổ hạnh và là vật cưỡi của thần Vidali, trong khi ở Trung Quốc cổ, mèo là con vật lành và người ta dựa vào các điệu bộ của nó để tạo thành các điệu múa (trong truyện Đàn hương hình nổi tiếng của Mạc Can cho biết, có cả một loại hình múa hát lấy con mèo làm chủ thể).

Ở Campuchia, người ta coi mèo kêu có thể thấu đến thần mưa nên có tục tưới nước cho mèo để nó kêu làm động lòng thần và đem mưa tới.

Ở Ai Cập, con mèo được thần thánh hóa, dân chúng tôn thờ nữ thần Bastet có hình hài con mèo, coi như vị thần ban phúc và bảo vệ con người. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật khắc họa con mèo thần này được cầm dao cắt đầu con rắn độc Apophis từng âm mưu lật đổ con thuyền đưa linh hồn người chết vượt qua sông Âm phủ.

Tranh mèo của Bùi Xuân Phái.

Trong thế giới người Xen-tơ (Bắc Pháp, Anh, Iếc-lăng) con mèo thần đã trừng trị kẻ gian toan đánh cắp chiếc vòng vàng của Moel-Duin, thủ lĩnh người Xen-tơ. Kẻ gian này đã bị biến thành tro bởi ánh lửa tóe ra từ mắt của mèo thần.

Trong thế giới Hồi giáo, mèo được trọng hơn vì có truyền thuyết rằng do lũ chuột quấy rầy các khách trên con tàu cứu sinh của Nóe. Nóe lấy tay vuốt trán con sư tử, sư tử hắt hơi, từ trong miệng nhảy ra một cặp mèo và cặp mèo này đã diệt lũ chuột.

Đối với người da đỏ Bắc Mỹ, mèo là biểu tượng của sự khôn khéo, với người ở đảo Sumatra (Indonesia) thì mèo giúp thần sông Âm phủ chỉ ra những kẻ có tội lỗi. Ở đảo này vốn có tín ngưỡng là mọi người chết phải đi qua cái cầu để lên trời. Dưới cầu là vực thẳm của địa ngục. Trấn bên cầu là chú mèo đen, nó sẽ vứt linh hồn những kẻ có tội xuống âm phủ.

Còn ở Việt Nam thì cũng giống như ở Nhật Bản, có tin là mèo báo điều không lành nên mới có câu: “Chó đến nhà thì giàu, mèo đến nhà thì nghèo”. Nhưng hơn thế, ở nước ta mèo còn là biểu tượng của bọn quan lại tham nhũng. Trong một bức tranh dân gian rất quen thuộc với mọi người là bức tranh Đám cưới chuột – cả một lũ họ hàng nhà chuột bé bỏng tổ chức đón dâu vui vẻ nhưng bị ông quan mèo thù lù ngồi trấn ở trên đầu, lũ chuột phải có xâu cá chép để hối lộ mèo mới hòng đi thoát.

Một con mèo mà mỗi tộc người một quan niệm, thế mới là sự đa dạng văn hóa.

Ngô Yên
(tổng hợp)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]