“Mỏ vàng” di tích Việt – Chăm trước nguy cơ "Cự Đà" thứ hai

Khách đến Đà Nẵng thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm duy nhất trên thế giới đều muốn đi tiếp đến một nơi cụ thể hơn để hiểu cư dân Chăm xưa sống như thế nào, ở đâu, đền tháp ra sao… Họ có thể đến làng Phong Lệ để tìm hiểu điều đó mà không cần phải đi xa hơn!

15.5859

“Mỏ vàng” di tích Việt – Chăm trước nguy cơ "Cự Đà" thứ hai

Khách đến Đà Nẵng thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm duy nhất trên thế giới đều muốn đi tiếp đến một nơi cụ thể hơn để hiểu cư dân Chăm xưa sống như thế nào, ở đâu, đền tháp ra sao… Họ có thể đến làng Phong Lệ để tìm hiểu điều đó mà không cần phải đi xa hơn!

Các nhà khảo cổ chụp ảnh nền móng khu đền tháp Chăm vừa được phát lộ tại di chỉ làng Phong Lệ (Đà Nẵng) - Ảnh: HC

Điểm đến quý giá trong tương lai

Qua khảo sát và đo vẽ sơ đồ phân bố, bước đầu các nhà nghiên cứu nhận định khu khảo cổ Phong Lệ với “mỏ vàng” di tích Việt - Chăm có diện tích khoảng 5.000m2. Tại đây có thể có khá nhiều di tích khác nhau và những di tích quan trọng có thể tập trung trên gò cao ở phía Tây của hố đang khai quật.

“Với vị trí thuận lợi nằm cạnh QL1A và sông Cu Đê nối thẳng tuyến du lịch đường sông lên khu Di sản Văn hoá thế giới Mỹ Sơn, lại bao hàm nhiều giá trị lớn lao nên nếu được quy hoạch kịp thời, khai quật hoàn chỉnh thì nơi đây có đủ tiềm năng để trở thành điểm đến hết sức giá trị về du lịch cũng như giáo dục lịch sử, văn hoá!” – Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Võ Văn Thắng nói.

Theo Phó Gám đốc Sở Văn hoá - Thể thao – Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Hữu Chiến, ai đến thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm duy nhất trên thế giới thì tiếp đó cũng muốn đến một nơi cụ thể hơn để hiểu cư dân Chăm xưa sống như thế nào, ở đâu, đền tháp ra sao…Họ có thể đến làng Phong Lệ để tìm hiểu điều đó, tạo thành một tour khép kín ngay trên địa bàn Đà Nẵng mà không cần phải đi xa hơn. Tuy nhiên, điều ông quan ngại nhất chính là… tốc độ đô thị hoá quá nhanh của Đà Nẵng có thể khiến nơi này có thể nhanh chóng “biến mất”!.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Chiều trình bày kết quả khai quật bước đầu tại di tích khảo cổ Phong Lệ - Ảnh: HC

Dân đang ồ đạt treo bảng bán đất

Sau khi được phát hiện từ thời Pháp thì địa điểm khảo cổ Phong Lệ gần như bị bỏ hoang phế trong những năm chiến tranh, cây cối um tùm, ít người qua lại. Nhưng sau ngày đất nước thống nhất, HTX Nông nghiệp của địa phương đã sản ủi một phần khu di tích làm trại chăn nuôi; một số hộ dân cũng dần dần kéo về đây ngụ cư mà không biết rằng họ đã và đang ở trong một khu di tích khảo cổ quan trọng. Việc tái phát hiện địa điểm này hồi tháng 3/2011 cũng xuất phát từ việc người dân xây nhà, làm lộ ra các hiện vật Chăm.

Ông Phùng Văn Thạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hoà Thọ Đông tiếc rẻ, nếu phát hiện sớm 5 - 7 năm thì làng Phong Lệ vẫn còn nguyên những hàng tre cổ kính, cây cối cổ thụ… mà gia tộc danh nhân Ông Ích Khiêm trồng từ đời này sang đời khác. Nhưng nay thì những hàng cau, hàng tre đã bị nguời dân đốn hạ hết để bán đất. Trong làng có 7 cây cốc núi cổ thụ, giờ chẳng còn cây nào. Đặc biệt, sau khi một trong hai bàu sen cổ xưa của làng Phong Lệ biến thành khu dân cư theo sự đồng ý của Sở Xây dựng thì này bàu còn lại cũng đã được TP tiến hành đền bù, chuẩn bị đổ đất xây các khu biệt thự ven sông.

Trong khi đó ông Võ Văn Thắng cho hay, trên nhiều cây vải cổ thụ cả trăm năm tuổi ở làng Phong Lệ, ông thấy người dân gắn những tấm bảng rao… bán đất. Như thế, có lẽ không đợi đến 10 năm mà có thể chỉ 1 – 2 năm sau quay trở thì chính cây cổ thụ đó cũng không còn. Chưa kể trong thời gian tới, khi người ta nghe nói ở đây phát hiện một số hiện vật Chăm mà kéo nhau đổ xô tới đào bới “vàng hời” thì sẽ chẳng thể nào giữ cho nơi này khỏi bị tàn phá.

Tượng sư tử và các hiện vật điêu khắc Chăm được tìm thấy tại di tích khảo cổ Phong Lệ - Ảnh: HC

Không thể lặp lại một Cự Đà thứ hai!

“Dẫu phát hiện trễ thì cũng còn hơn là không bao giờ. Nếu nay đã phát hiện ở đây có thể là quần thể di tích Chăm quý giá và là điểm đến du lịch đặc sắc mà không sớm có quy hoạch, có biện pháp bảo vệ kịp thời thì chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng còn gì để giữ. Chúng ta cần phải hết sức tránh lặp lại tình cảnh của làng cổ Cự Đà ở Hà Nội, “thấy chết mà không cứu được” trước tốc độ đô thị hoá!” – ông Thạnh nói.

Trước tình hình đó, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao – Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Hữu Chiến yêu cầu Bảo tàng Điêu khắc Chăm khẩn trương chuẩn bị để trình lãnh đạo TP phương án quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực này, khoảng 3.000 – 5.000m2 để đảm bảo cho vấn đề quản lý và chia thành từng giai đoạn để thực hiện việc khai quật, tôn tạo… tiến tới chính thức công nhận di tích và xây dựng thành điểm đến văn hoá, du lịch.

“Kết quả khai quật vừa qua cũng như tầm dự phóng sắp tới không thể chỉ nói trong khuôn khổ hẹp mà phải được báo cáo đầy đủ cho lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND và các cơ quan, ban ngành chức năng TP để thấy rõ Đà Nẵng đang phát hiện cả một “mỏ vàng”, từ đó có sự đánh giá chính xác và đề ra hướng đi đúng đắn!” – ông Nguyễn Hữu Chiến yêu cầu.

Sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đã có báo cáo cho lãnh đạo TP về kết quả đợt khai quật lần thứ nhất tại làng Phong Lệ, đồng thời đề xuất các biện pháp bảo vệ khẩn cấp và tiếp tục làm rõ di chỉ khảo cổ này. Tháng 5/2012, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đồng ý cho thực hiện đợt khai quật thứ 2 tại địa điểm đã tiến hành khai quật đợt 1 với diện tích được mở rộng thêm 500m2.

Đó chính là cơ sở để các nhà khảo cổ tiến hành tiếp đợt khai quật trong tháng 7 vừa qua với kết quả ban đầu hết sức mỹ mãn, phát hiện nền móng của một đền tháp Chăm khoảng 1.000 năm với quy mô to lớn. Đợt khai quật này vẫn đang tiếp tục và hứa hẹn sẽ có thêm nhiều phát hiện mới đặc sắc từ "mỏ vàng" di tích Việt - Chăm này.

Hải Châu

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]