Nghệ thuật phục vụ du lịch, bao giờ?

Nghệ thuật phục vụ du lịch - hẳn nhiên rồi; nhưng câu hỏi còn lại vẫn là: bao giờ và như thế nào?...

15.621

Sự phối hợp tự nhiên và có lẽ là thành công nhất là việc doanh nghiệp lữ hành đưa chương trình múa rối nước vào tour của mình.

Nếu lấy mốc thời điểm đất nước ta mở cửa vào năm 1989-1990, đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã hội nhập quốc tế được gần 30 năm.

Thế nhưng một thực trạng ngạc nhiên đến khó hiểu là các đơn vị du lịch vẫn loay hoay với bài toán làm thế nào để tăng tố chất văn hóa trong hoạt động du lịch, để du lịch không bị xem chỉ là một ngành kinh tế thuần túy với mục tiêu lợi nhuận.

Mãi cho đến cuối năm 2007, một cuộc gặp gỡ giữa 12 nhà hát trung ương với một số doanh nghiệp lữ hành mới được mô tả là “cái bắt tay” đầu tiên, theo đó có thể mở ra mối quan hệ kết nghĩa giữa vài ba đơn vị du lịch và ngành nghệ thuật để kết hợp phục vụ du khách nước ngoài.

Kết quả quá sức khiêm tốn này không khỏi làm chúng ta chạnh lòng: cái mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã làm từ rất lâu, điều mà nước Thái Lan không quá xa chúng ta đã thực hiện một cách nhuần nhuyễn và mang lại cả hai giá trị văn hóa tinh thần cho du khách lẫn ngoại tệ cho quốc gia, thì giờ đây dường như vẫn còn là một phát hiện mới mẻ đối với ngành văn hóa và cả ngành du lịch của nước ta.

Quả thật, ngay vào những giai đoạn hoàng kim của ngành du lịch Việt Nam, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật có vẻ vẫn như đứng ngoài cuộc. Đối tượng khách của họ chủ yếu (có lẽ là tuyệt đại đa số) là người trong nước. Một vài chương trình quảng bá và nhắm tới mục tiêu thu hút du khách nước ngoài vẫn hiếm hoi.

Điều đáng nói hơn, tuy nhận biết khá rõ nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật bản địa của khách quốc tế, song chẳng có nhiều đơn vị nghệ thuật chủ động nêu ra kế hoạch cần phải làm những gì để thỏa mãn nhu cầu ấy.

Trong khi đó, có những doanh nghiệp du lịch trong nước tự tổ chức những đoàn nghệ thuật để phục vụ du khách, nhưng do thiếu thốn tài năng và tính chuyên nghiệp về nghệ thuật nên những chương trình biểu diễn của họ vẫn mang màu sắc nghiệp dư dưới cái nhìn của du khách nước ngoài.

Sự phối hợp tự nhiên và có lẽ là thành công nhất là việc doanh nghiệp lữ hành đưa chương trình múa rối nước vào tour của mình, nhưng thường không kéo dài do nội dung biểu diễn múa rối nước của nước ta, dù mang tính đặc trưng khu vực, song độ phong phú lại không đáp ứng được sức tìm hiểu và nghiên cứu chuyên sâu của du khách. Khiếm khuyết đó nằm ở khâu kịch bản và kinh phí đầu tư còn hạn chế, dẫn đến tâm lý thưởng ngoạn bị nhàm hóa đối với du khách.

Còn những chương trình hòa nhạc giao hưởng tuy cũng được chú ý khai thác phần nào, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những bản nhạc cổ điển của các nhạc sĩ tên tuổi trên thế giới mà nhiều người, trong đó dĩ nhiên có du khách nước ngoài, đã quá quen.

Ở thái cực ngược lại, nền giao hưởng Việt Nam chưa có nổi những tác phẩm thật sự có giá trị và càng về sau này số tác phẩm lớn càng hiếm, thế nên sức thu hút du khách trong lĩnh vực này cũng bị hạn chế đáng kể.

Còn đối với những nhà hát và đơn vị nghệ thuật khác như cải lương và chèo, mặc dù mang tính biểu trưng của văn hóa dân tộc, nhưng đã hầu như chưa trở thành điểm đến đích thực của những tour du lịch. Thậm chí, người ta còn lo ngại yếu tố cải biên ở những đơn vị nghệ thuật này (như cách diễn viên vừa hát chèo vừa... biểu diễn thời trang) có thể làm du khách nước ngoài ngạc nhiên một cách chẳng mấy thú vị.

Còn thỉnh thoảng, các đơn vị nghệ thuật cũng tham gia vào các lễ hội du lịch ở một số địa phương, cũng biểu diễn và có vẻ như thu hút được sự chú ý của du khách. Tuy vậy, hoạt động này cũng chỉ mang tính nhất thời mà không trở nên thói quen thường xuyên, ngay cả những chương trình được coi là thành công cũng không duy trì được tuổi thọ nên thường bị du khách lãng quên nhanh chóng.

Có thể nói, văn hóa là bản thể của ngành kinh tế du lịch, trong đó nghệ thuật là một trong những cầu dẫn để phổ biến và truyền bá tính văn hóa đó. Nghệ thuật phục vụ du lịch - hẳn nhiên rồi; nhưng câu hỏi còn lại vẫn là: bao giờ và như thế nào?
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]