Nghi ngờ khó giải về nhân cách tác giả ‘Peter Pan’

Ông là người chồng bất lực, kẻ lạm dụng tình dục trẻ em hay một trái tim nhân hậu, trong trắng? Với một số người, J.M. Barrie là kẻ chuyên mang điềm gở đến cho bất cứ ai dính vào ông. Người khác lại cho rằng, cha đẻ “ Peter Pan” là nhà văn thiên tài, giàu tình yêu trẻ thơ.

15.5664

Justine Picardie

Bất chấp lời nguyền của Barrie, Justine Picardie vẫn tiến hành những cuộc khảo sát về cuộc đời cây bút nổi tiếng.

“Chúa sẽ giáng họa cho bất cứ kẻ nào viết tiểu sử về tôi”, J.M. Barrie tuyên bố bằng những dòng chữ viết tay nguệch ngoạc trong một cuốn sổ ghi chép của mình. Nhưng kể từ khi Barrie qua đời vào năm 1937, lời nguyền tàn khốc của nhà văn không ngăn được hàng tá cây bút lao vào tìm hiểu về cuộc đời ông. Công trình mới nhất là Captivated của Piers Dudgeon - cuốn sách đưa ra giả thuyết rằng, Barrie mang đến điềm gở cho gia đình du Maurier.

Trong miêu tả của Dudgeon, Barrie là người tìm cách lấp đầy sự khuyết thiếu khả năng tình dục của mình bằng mong muốn chiếm hữu cả gia đình đã gợi hứng cho ông sáng tạo nên tác phẩm kiệt xuất Peter Pan.

Vậy đâu là sự thật về J.M. Barrie (nhà văn có biệt tài trong việc trộn lẫn giữa sự thực và hư cấu trong những tác phẩm của mình). Cuộc đời ông bi kịch ngay từ thời thơ ấu. Nhà văn sinh năm 1860 tại Kirriemuir, Scotland. Năm Barrie lên 6 tuổi, anh trai David - đứa con được mẹ ông yêu thương nhất - chết vì một tai nạn khi trượt băng trong đêm trước ngày sinh nhật lần thứ 14.

Nhà văn J.M. Barrie.

Mất mát này khiến mẹ ông hoàn toàn sụp đổ. Barrie tìm mọi cách để thay thế vị trí của David trong lòng mẹ, ngay cả việc mặc quần áo của anh trai. Trong cuốn hồi ký về người mẹ của mình - Margaret Ogilvy (1896) - nhà văn kể: “Một lần, tôi bước vào phòng mẹ và nghe bà nói: ‘Con đó phải không?’. Tôi nghĩ mẹ đang nói với người anh đã chết của mình. Tôi trả lời: ‘Không, không phải anh ấy đâu, con đây mà”. Mẹ của Barrie dần dà tìm thấy niềm an ủi với suy nghĩ rằng, đứa con đã mất của bà sẽ mãi mãi chỉ là đứa trẻ, không bao giờ lớn và sẽ luôn ở bên cạnh bà. Đây cũng là ý tưởng xui khiến Barrie viết câu chuyện về những đứa trẻ không bao giờ chịu lớn.

Một cách thành thực, tôi cũng có phần kinh sợ với lời nguyền của Barrie sau khi nghe được những chuyện xảy ra với nhà văn Andrew Birkin. Trong cuốn sách mới nhất về J.M. Barrie, Birkin kể: “Tôi phần nào đó cảm thấy có sự hiện diện lời nguyền của Barrie”. Con trai Birkin bị chết trong một vụ tai nạn xe hơi một tháng trước sinh nhật lần thứ 21. Cũng ở tuổi này, Michael - con trai nuôi của Barrie và chính là anh họ của nhà văn Daphne du Maurier, chết đuối. Những người hay hoài nghi sẽ cười nhạo vào sự mê tín của tôi. Nhưng là mẹ của hai đứa con trai đang lớn, tôi không muốn trở thành nạn nhân lời nguyền của nhà văn.

J.M. Barrie có mối quan hệ thân thiết với gia đình nữ văn sĩ Daphne du Maurier. Gerald du Maurier - bố của Daphne là diễn viên yêu thích của Barrie. Gerald gặp và yêu mẹ của Daphne khi hai người tham gia diễn trong vở kịch lãng mạn của Barrie - The Admirable Crichton. Chị gái của Daphne, Angela được coi là nguyên mẫu của nhân vật Wendy trong Peter Pan. Nhưng quan trọng hơn cả, Sylvia - chị gái của Gerald là mẹ của 5 cậu bé đã gợi cảm hứng cho các nhân vật trong Peter Pan. Chồng bà - Arthur Llewelyn Davies - là một luật sư điển trai, còn Sylvia được coi là một trong những nhan sắc rực rỡ thời bấy giờ. Họ có 5 người con trai: George sinh ngày 20/7/1893; Jack, sinh ngày 11/9/1894; Peter, sinh ngày 25/2/1897; Michael, sinh ngày 16/6/1900 và Nico, sinh ngày 24/11/1903.

Sau đó, khi Sylvia và Arthur lần lượt qua đời vì những căn bệnh hiểm nghèo, Barrie nhận 5 đứa trẻ làm con nuôi. Theo cách lý giải mang màu sắc tâm linh của Dudgeon, Barrie thường “gây hại” cho những người mà ông yêu thương, đặc biệt là gia đình Llewelyn Davies. Họ phải trả giá bằng những cái chết. Bắt đầu là Arthur và Sylvia, tiếp đó là George -thiệt mạng năm 1915 khi đi lính trong thế chiến I, rồi Michael (chết trôi nhưng thường bị coi là tự vẫn) năm 1921 khi đang học đại học; rồi Jack chết vì ung thư phổi năm 1959; rồi Peter tự vẫn năm 1960. (Chỉ có Nico là người duy nhất thoát khỏi cái chết trẻ).

Barrie bên bàn viết.

Nhưng nhiều người cho rằng, đây chỉ là sự áp đặt của Dudgeon, Henrietta - cháu gái của Jack Llewelyn Davies đã nổi điên trước cuốn sách của Dudgeon: “Ông ta đã đi quá xa khi kết luận Barrie là một thiên tài mang đến điều xui xẻo. Ông bà nội thường kể tôi nghe, nhà văn là một con người có trái tim nhân hậu và đầy cảm thông. Ông đã làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các con nuôi của mình”.

Tương tự, cháu gái của Nico, Laura Duguid từng kể về kỷ niệm của mình với nhà văn - người đồng thời là cha đỡ đầu của cô: “Tôi vốn là một cô bé yếu đuối luôn cần đến mẹ hoặc bảo mẫu. Nhưng tôi nhớ, mình đã có một buổi chiều với Barrie. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi được phép ở lại cả chiều với ông. Nhà văn kể chuyện cho tôi nghe và chơi trò đuổi bắt với tôi quanh bàn ăn. Tất nhiên, bố tôi nghĩ, Barrie là một người yêu trẻ vô cùng. Ông đồng ý phó thác thôi cho cha đỡ đầu là vì vậy”.

Laura Duguid cũng bày tỏ quan điểm của mình trước những nghi vấn về đời sống tình dục lệch lạc của Barrie: “Ông ấy rất trong sáng”. Andrew Birkin, học giả từng nghiên cứu rất sâu về Barrie, cũng khẳng định: “Vâng, rõ ràng, Barrie rất yêu trẻ, nhưng ông không phải là kẻ lạm dụng tình dục trẻ em như người ta gán cho ông”. Tuy nhiên, nhiều căn cứ cho thấy, Barrie có phần "yếu" trong đời sống tình dục. Ông không hoàn thành trọn trách nhiệm của một người chồng. Mary, vợ của nhà văn, sau 15 năm chung sống đã phát biểu: “Tình yêu, trong ý nghĩa đầy đủ của từ này, không bao giờ được ông cảm nhận và trải nghiệm một cách đầy đủ”.

Bằng chứng để từ đó Dudgeon khẳng định mối quan hệ lạ lùng giữa nhà văn và các cậu bé là những bức thư giữa Barrie và Michael. Trong sinh nhật lần thứ 8 của Michael năm 1908, Barrie (lúc đó 48 tuổi) viết: “Ta ước ta có thể ở bên cạnh cháu cùng với những cây nến. Cháu có thể nhìn ta như thể ta là một trong những ngọn nến - một ngọn cháy rất nhanh và đổ gục giữa chừng. Nhưng ta vẫn là ngọn nến của Michael… Michael thân yêu, ta rất thích cháu nhưng đừng nói cho ai biết nha”.

Đó là một trong số rất ít lá thư còn sót lại giữa Barrie và Micheal. Peter Llewelyn Davies đã đốt hết phần lớn thư từ của em trai và nhà văn (“Nhiều quá”, đó là cách lý giải cụt ngủn của Peter).

Ngoài ra, sau khi đã ly dị, Barrie từng nói với Jack rằng, mẹ cậu Sylvia đã đồng ý kết hôn với ông khi nằm trên giường bệnh - điều mà cả Jack lẫn Peter không bao giờ tin nổi. Điều tệ hại hơn cả là Barrie đã sửa lại di chúc của Sylvia để lừa bịp mọi người rằng, Sylvia muốn nhà văn nhận nuôi những đứa trẻ sau khi bà qua đời. Thực tế, Sylvia có để lại một chúc thư viết tay, trong đó thể hiện ý nguyện muốn các con mình được sống cùng bà bảo mẫu Mary. Nhưng khi tìm thấy di chúc, Barrie đã sửa lại theo ý mình và gửi cho mẹ của Sylvia. Sau đó, bằng cách này hay cách khác, cuối cùng, nhà văn vẫn được nhận nuôi lũ trẻ.

Hà Linh dịch
(Nguồn: Tele)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]